Đường Hồ Chí Minh – Con đường huyền thoại

Quảng Bình là một trong những điểm xuất phát quan trọng nhất của hệ thống đường 559 (đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh), tuyến vận chuyển quan trọng nhất chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc chiến tranh thần thánh chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta.


Vận tải trên con đường Huyền Thoại

Con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường Miền Nam

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường mòn Hồ Chí Minh (còn gọi là đường Trường Sơn) là tuyến vận chuyển vũ khí, hàng hoá, lương thực, quân nhu… quan trọng nhất của hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong đó, đoạn đường Trường Sơn đi qua địa phận Quảng Nam với chiều dài gần 200 km là một trong những đoạn hiểm trở nhất, cam go nhất với nhiều trận đánh vô cùng ác liệt.

Những địa danh: Prao, Bến Giằng, Làng Rô, Khâm Đức, Ngok – Ta – Vak, Đồi E… nằm trên lành lang tuyến đường này đã đi vào lịch sử và ký ức của mỗi người dân đất Quảng.


Đường mòn trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu.

Tính đến ngày Việt Nam thống nhất, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.


Công Binh hỗ trợ mở đường cho đoàn xe

Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn ba vạn người bị thương, khoảng 14.500 xe – máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy…


Tiếp tế cho chiến trường Miền Nam

Trong 16 năm, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.


Chi viện cho chiến trường Miền Nam

Tính đến năm 1975, hơn 2,5 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã ngã xuống để làm nên huyền thoại Trường Sơn với tổng chiều dài gần 20.000 km xuyên xuốt qua ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.


Mở đường cho đoàn xe tiếp tế

Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh xưa, nay là một kết hợp tuyệt vời lịch sử chói lọi của cuộc đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, kéo những bản làng xa xôi gần lại với đồng bằng và phục vụ thiết thực công cuộc phát triển kinh tế, ổn định đời sống vùng sâu, vùng xa.

Tuyến đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Tạo điều kiện hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, các vùng nguyên liệu cho công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc ít người, thực hiện xoá đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

Cùng với việc xây dựng đường Hồ Chí Minh, tuyến du lịch “Con đường huyền thoại” đang được tích cực triển khai, đưa khách du lịch tham quan chiến trường xưa và các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng.


Đường Hồ Chí Minh ngày nay

Với mục đích giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ và thu hút khách du lịch bốn phương, tuyến du lịch “ Đường Hồ Chí Minh- con đường huyền thoại” đang ngày càng trở thành một tour du lịch hấp dẫn, nối quá khứ với hiện tại và tương lai.

Duy Phan – 31/10/2020

Bài viết được tham khảo:
Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh xưa và nay
Đường Hồ Chí Minh – con đường huyền thoại.
Đường Hồ Chí Minh – Con đường huyền thoại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *