Học sinh ăn cơm trắng với nhộng đất, có nguy cơ bỏ học vì quá nghèo: Mong MTQ giúp đỡ

Nhà xa, gia đình khó khăn, bố mẹ bận rộn nên nhiều học sinh tại xã Măng Cành phải ăn cơm trưa tại trường với đường, muối, đôi khi là châu chấu và cả nhộng đất.

Dân Trí đưa tin, từ năm học 2021-2022, xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) chính thức được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này đồng nghĩa với việc, các chế độ ăn hỗ trợ học sinh khó khăn theo Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ chính thức không còn hiệu lực.

 Hai em học sinh ăn cơm trắng với nhộng đất, cá khô. (Ảnh: Dân Trí) 
Hai em học sinh ăn cơm trắng với nhộng đất, cá khô. (Ảnh: Dân Trí) 

Chia sẻ với Dân Trí, thầy Trần Thông – Hiệu trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành – cho hay, sau khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, toàn trường có hơn 140 trường hợp bị cắt chế độ bán trú và từ đây, các con không được ăn ở trường.

100% học sinh của trường là con em của người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cha mẹ các em đều đi làm nương rẫy, có khi cả tuần không về nên các con thiếu vắng sự quan tâm của gia đình. Trong khi đó, nhà của không ít học sinh cách xa trường từ 5 – 17km, vì vậy mà nguy cơ bỏ học rất cao.

 Các em ngồi ăn tại hành lang. (Ảnh: Dân Trí)
Các em ngồi ăn tại hành lang. (Ảnh: Dân Trí)

“Nhà trường và thầy cô đã tích cực vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền mua lương thực và rau củ, nấu nướng cẩn thận cho các cháu ăn trưa. Thế nhưng, vì nguồn lực có hạn nên rất khó để níu chân học sinh ở lại trường lâu dài”, thầy Thông tâm sự.

Thời điểm hiện tại, vì không được ở bán trú tại trường nên hàng trăm học sinh đã phải vượt hơn chục cây số để đi học mỗi ngày. Bên cạnh chiếc cặp sách đeo trĩu vai, các em còn cầm theo hộp cơm nguội để ăn vào buổi trưa. Thương học sinh vất vả, giáo viên trong trường đã liên tục kêu gọi bạn bè, mạnh thường quân trên mạng xã hội để có chi phí mua thêm trứng, cá khô cho các con.

 Hộp cơm trắng với nhộng đất của học sinh tại xã Măng Cành. (Ảnh: Dân Trí)
Hộp cơm trắng với nhộng đất của học sinh tại xã Măng Cành. (Ảnh: Dân Trí)

Nhà trường cũng cố gắng tạo điều kiện cho học sinh đến trường gần nhất qua việc chuyển hơn 72 em tới điểm trường Kon Du – cách Trung tâm huyện Kon Plông khoảng 7km – để tiện học tập. Kết thúc mỗi buổi học, thầy trò tại điểm trường Kon Du lại ngồi trên tấm chiếu ngoài hành lang để ăn trưa.

Em Y.L (10 tuổi, học lớp 5) và em gái (7 tuổi, học lớp 2) mở hộp cơm nguội lạnh ngắt, chỉ có chút thức ăn là nhộng đất màu trắng, nhợt nhạt. Món ăn này do cha mẹ của hai em đào ở trên nương rẫy, sau đó chuẩn bị cho con đi học. Được biết, có khá nhiều học sinh vắng học vì không có đủ điều kiện, các thầy cô ở điểm trường này đã phải “lội suối, băng rừng” về tận nhà để động viên các con trở lại lớp.

Một em nhỏ phải ăn cơm với đường. (Ảnh: Thanh Niên)Một em nhỏ phải ăn cơm với đường. (Ảnh: Thanh Niên)

Chia sẻ với Thanh Niên, cô Trần Thị Dung (chủ nhiệm lớp 3B của điểm trường thôn Kon Du) trải lòng, bản thân cô và các giáo viên trong trường đã không ít lần lau nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh của các con. Thức ăn của học sinh đều là những sản vật cha mẹ kiếm được trên rừng. “Bữa nào sang lắm thì có món thịt chuột, thịt dơi. Thế nhưng, có những ngày các em phải ăn ốc đồng, nhộng đất, châu chấu, ve sầu. Thậm chí, ngày nào không kiếm được thức ăn, các con còn ăn cơm với măng rừng, rau dại hoặc ăn với muối, đường cho dễ nuốt”, nữ giáo viên buồn bã kể.

Thấy học trò không đủ đồ ăn, các thầy cô chẳng ai bảo ai, mỗi người đều chủ động chuẩn bị thêm chút đồ ăn để chia đều cho các con. Em nào biếng ăn, ốm yếu, giáo viên sẽ ưu tiên chia nhiều phần hơn.

Hiện, trên mạng xã hội, không ít người đã bày tỏ sự thương cảm khi biết đến hoàn cảnh của các em. Hi vọng rằng thời gian tới, sẽ có nhiều mạnh thường quân, nhà tài trợ tự nguyện ủng hộ, đóng góp tiền bạc để giúp trẻ em trên địa bàn khắc phục khó khăn, có thêm động lực đi học.

Nguồn: https://www.yan.vn/nhieu-hoc-sinh-co-nguy-co-bo-hoc-vi-qua-ngheo-mong-mtq-giup-do-283826.html?fbclid=IwAR3qJ-2O_jfwMQut45WbVIWVa7cdnHkscVHMGFovNiYDwXOKo79bszDRzPQ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *