Nam Phương Hoàng Hậu – Bà có thật sự yêu Hoàng Đế Bảo Đại?

Nam Phương Hoàng hậu (chữ Hán: 南芳皇后; 4 tháng 12 năm 1914 – 16 tháng 9 năm 1963), là Hoàng hậu của Hoàng đế Bảo Đại thuộc triều đại nhà Nguyễn, đồng thời là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Bà cùng với Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, chính thất của Gia Long và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu, chính thất của Tự Đức, là 3 vị Hoàng hậu trong hoàng tộc nhà Nguyễn mang tước vị Hoàng hậu (皇后) khi còn sống.

Bà cũng là Hoàng hậu duy nhất theo đạo Công giáo trong lịch sử Việt Nam, và cũng là hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn nói riêng và chế độ quân chủ Việt Nam nói chung. Bà đã có công đề xướng việc thành lập và mở các trường học thuộc Dòng Đức Bà tại Việt Nam vào năm 1935. Bà là Hoàng hậu duy nhất của triều Nguyễn được tấn phong sau ngày cưới.

Năm 12 tuổi, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan được gửi sang Pháp theo học tại tu viện nữ sinh nội trú Couvent des Oiseaux, Paris. Tháng 9 năm 1932, sau khi hoàn thành tú tài Pháp (tương đương với tốt nghiệp trung học), Nguyễn Hữu Thị Lan về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Vua Bảo Đại hồi loan cũng đi cùng chuyến tàu đó nhưng hai người không gặp nhau.

Mối tình chính trị

Vợ chồng Khâm sứ Charles là người được Pháp giao sứ mạng nuôi nấng Bảo Đại cho tới khi trưởng thành và chọn người phối ngẫu cho Bảo Đại. Họ đã chọn được một người con gái đất Nam Kỳ, gia đình giàu có, theo đạo dòng và là dân làng Tây. Cô gái đó chính là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào (tức Nguyễn Hữu Thị Lan).

Tất nhiên, không phải vợ chồng Khâm sứ Charles “chấm” nghĩa là có ngay mà phải lựa chọn khá lâu, đồng thời phải thỏa mãn nhiều yêu cầu khác nhau trong việc hệ trọng này.

Bảo Đại là một ông vua được đào tạo ở Pháp, đã hấp thụ nền văn hóa Pháp và nếp sống phương Tây, nay nếu về nước lấy người vợ thuần túy Việt Nam, con một vị quan trong triều, thì khó thích hợp.

Còn chọn một cô đầm trẻ, con một viên Khâm sứ, Thống sứ Pháp thì dễ nhưng chắc chắn sẽ bị triều đình và Hoàng tộc nước Nam phản đối và sẽ dẫn đến đổ vỡ trong việc trị nước.

Vợ chồng Charles đã tìm hiểu đất Thần kinh để xem có vị quan nào có con gái hội đủ tiêu chuẩn làm vợ Bảo Đại không, nhưng chọn mãi không có cô nào xứng hợp.

Người đẹp thì có, hiền thục cũng có nhưng học giỏi thì không, mà đa số các cô đều theo đạo Phật và có đầu óc bảo thủ coi vua như ông trời, bảo sao nghe vậy không dám có ý kiến hay phản đối.

Vợ chồng Charles sau đó nghĩ ngay đến đất Nam Kỳ khi xưa đã có những bà hoàng hậu được dân chúng kính mến như: bà Hồ Thị Hoa tức Tá Thiên Nhân Hoàng hậu, vợ của Vua Minh Mạng, hay bà Phạm Thị Hằng tức Từ Dụ Hoàng Thái hậu, vợ Vua Thiệu Trị.

Thế rồi, vùng đất Gò Công đã được họ đặc biệt chú ý. Gò Công có nhiều người được Pháp trọng vọng như: Đức Cha J. B. Nguyễn Bá Tòng là vị Giám mục tiên khởi của Việt Nam, rồi Đốc phủ Lê Quang Liêm đã từng du học bên Pháp và làm công cán ủy viên bên Pháp, kế tới có luật sư Vương Quang Nhường tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Pháp, có vợ là Lương Nhàn, con gái vua Thành Thái và gia đình ông Lê Phát Đạt (tức Huyện Sỹ) có cháu gái đang học bên Pháp là cô Nguyễn Hữu Thị Lan…

Nhưng có một vấn đề là ông Nguyễn Hữu Hào theo đạo Công giáo nên con gái không thể bỏ đạo theo chồng được, vẫn giữ đạo thì việc cúng tế Hoàng gia sẽ như thế nào vì giáo luật Công giáo thời đó cực kỳ khắt khe.

Hơn nữa phe phái Hoàng tộc rất bảo thủ, nếu Bảo Đại lấy vợ đất Nam Kỳ lại có đạo nữa là phá lệ. Nhưng chính phủ Pháp thời đó có mọi quyền quyết định việc triều chính của nước Nam nên việc chọn vợ cho Bảo Đại cũng chẳng có gì khó khăn.

Sau này cựu hoàng Bảo Đại có viết những dòng hồi ký để biện minh cho mối tình giữa mình và Nguyễn Hữu Thị Lan là do Bảo Đại yêu say mê Thị Lan thật sự nên đã chấp thuận cưới, dù bà Từ Cung và Hoàng tộc lúc đầu có phản đối. Bảo Đại còn nói rõ là mối tình giữa ông với Thị Lan không phải là mối tình “chính trị” do Pháp sắp đặt.

Nhưng dù có biện minh thế nào thì người trong và ngoài nước ai cũng thấy rõ như ban ngày là việc Bảo Đại gặp Thị Lan rồi đi đến hôn nhân là có bàn tay sắp xếp rất tinh vi và khéo léo của người Pháp, mà “ông tơ bà nguyệt” chính là vợ chồng cựu Khâm sứ Charles.

Bức thư Nam Phương Hoàng hậu dành cho tình địch

Năm ấy, tháng 9/1945 sau khi thoái vị, Bảo Đại ra Hà Nội nhận chức cố vấn tối cao trong chính phủ. Xa vợ, không thể thiếu phụ nữ bên cạnh, cựu hoàng tìm đến các vũ trường làm quen được cô vũ nữ có nhan sắc mặn mà nhất.

Chuyện đến tai hoàng hậu Nam Phương. Bà giận lắm. Mím chặt đôi môi, đôi mắt bà lạc thần và vài giọt nước mắt rơi xuống. Rồi đến một ngày, ông Hòe đến gặp bà trao cho bà bức thư của cựu hoàng. Trong đó Bảo Đại yêu cầu bà gửi ít tiền để sinh sống trong những ngày ở Hà Nội.

Xem xong thư, bà hỏi: “Ông có biết ông ấy cần tiền làm chi và cần bao nhiêu không?”. Ông Hòe không trả lời mà chỉ ậm ừ cho qua chuyện…

Lần trở lại để lấy thư trả lời, ông Hòe được bà Nam Phương nhỏ nhẹ yêu cầu: “Ông cho tôi biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thuỵ (tên thật của Bảo Đại) mê cô Lý nhé”. Thừa biết bà Nam Phương đã biết hết mọi chuyện nhưng ông Hòe chỉ trả lời một cách ỡm ờ cho qua chuyện.

Bà lấy 2 tờ giấy mệnh giá 500 đồng bạc Đông Dương bỏ vào trong phong bì đã có sẵn tờ giấy màu hồng đầy chữ Pháp rồi dán lại đưa cho ông Hòe cầm về. Cầm phong bì trong tay, ông Hòe ngập ngừng khuyên bà nên ra Hà Nội sống cùng Bảo Đại. Bà xua tay: “Tôi chịu đựng một mình quen rồi. Thôi, để cho người ta vui sướng”.

Về đến Hà Nội, ông Hòe trao phong bì cho Bảo Đại. Bảo Đại đọc thư, mặt cứ tái dần đi. 50 năm sau, kẻ thứ 3 trong cuộc tình của Bảo Đại cất giữ bức thư này mới công bố.

Thì ra đó là những dòng chữ mà Nam Phương hoàng hậu viết cho tình địch. Giọng văn hiền như sương khói, dịu dàng và thấm đẫm mà khi đọc cho dù không là người trong cuộc vẫn thấy có một chút gì của kẻ bề trên muốn răn dạy cho kẻ dưới mình.

Bức thư như sau: “Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!”.

Không một lời mắng chửi, không một câu hờn giận, không ngôn từ nào mang tính chất nhục mạ, bức thư chứa chan những tình cảm đậm đà thân thiết. Tuy nhiên, càng đọc càng thấm.

Cuối đời

Ngày 14 tháng 9 năm 1963, sau khi ra nắng bị cảm lại đi tắm bà bị sốt cao, bà thấy đau họng. Bác sĩ tới thăm bệnh, nói bà bị viêm họng nhẹ. Không ngờ sau đó, bà bị khó thở. Ông quản gia cùng các hầu gái đã vội chạy đi tìm bác sĩ khác ở làng bên, cách mươi cây số. Nhưng vì bệnh viện ở xa, bác sĩ không tới kịp nên bà đã ra đi vào lúc 5 giờ chiều.

Ngoài hai người giúp việc trong nhà, không có một người ruột thịt nào có mặt bên cạnh bà trong giờ phút lâm chung. Khi đó các con bà đang đi học hoặc làm ở Paris, còn Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp.

Đám tang của bà Nam Phương được cử hành theo nghi thức đạo Công giáo rất đơn giản. Đám tang vỏn vẹn chỉ có các Hoàng tử, Công chúa và một số bạn bè thân thiết của gia đình. Tại địa phương có vị Tỉnh trưởng và dân biểu địa phương bà Nam Phương cư ngụ tới chia buồn và dự tang lễ. Đặc biệt có sự tham dự của Công chúa Như Lý, con gái của vua Hàm Nghi. Công chúa Như Lý cũng ở gần nơi bà Nam Phương cư ngụ, nhưng khi bà Nam Phương còn sống thì bà Như Lý chưa bao giờ tới thăm, mà duy nhất lần này bà Nam Phương tạ thế Công chúa tới dự đám tang.

Ngày tang lễ, đi bên cạnh quan tài của bà ngoài hai Hoàng tử và ba Công chúa thì không có một người bà con nào khác. Linh cữu của bà Nam Phương được an táng ngay nghĩa trang Công giáo tại Chabrignac.

Duy Phan – 03/12/2020

Bài viêt được tham khảo:
Nam Phương Hoàng Hậu – Bà có thật sự yêu Hoàng Đế Bảo Đại?
Nam Phương (hoàng hậu)
Bảo Đại cưới Nam Phương Hoàng hậu là do người Pháp sắp đặt?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *