Ký ức về gánh hàng rong một thời trên đường phố Sài Gòn ngày xưa

Trong muôn mặt của đô thị Sài Gòn trước 1975, hình ảnh những người lao động lam lũ trên đường phố luôn là để tài sống động. Không đến nỗi phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng họ cũng đã đổ biết bao mồ hôi công sức để có được bát cơm.

Có thể nói những gánh hàng rong này đã cùng “cộng sinh” với nếp sống văn minh giữa chốn phồn hoa đô thị đã hàng trăm năm qua. Đặc biệt là vào thời điểm binh biến, ly loạn hồi thập niên 1960, rất nhiều người ở vùng thôn quê buộc phải tìm lên Sài Gòn để mưu sinh, tạo thêm cho Sài Gòn một nếp sống đặc trưng trên đường phố.

“Ai… bánh canh không?, Ai… cháo lòng không?”. Tiếng rao thật lớn nhưng êm tai. Người Sài Gòn không thể quên được một dạo những người bán hàng rong được ví như chiếc đồng hồ chính xác nhất. 9 giờ sáng là “Ai tàu hủ không?”, đến 10 giờ là “Ai chè đậu xanh bột bán nước dừa đường cát không?”.

Cứ thế, suốt ngày mỗi người một giờ, mỗi món ăn một thời điểm chính xác đến độ người dân không cần xem đồng hồ. Không ai cảm thấy khó chịu mà ngược lại, hôm nào vắng họ là cảm thấy nhớ nhung.

Trong bức ảnh “Gánh bánh canh giữa phố Sài Gòn”, chị bán hàng có gương mặt phúc hậu, đang nghiêng vành nón, một tay cầm tô, mắt nhìn vào nồi bánh canh đang tỏa hơi nóng bốc lên. Đôi quang gánh của chị đơn sơ, giản dị. Một đầu là nồi bánh canh khá lớn. Đầu còn lại, trên tấm nia là thùng nước rửa tô, một vài chiếc tô sạch.

Khách hàng của chị là một chàng trai mới lớn. Kẹp đôi đũa trong tay, cậu cầm muỗng múc nước lèo húp một cách ngon lành. Tất cả hoạt cảnh êm đềm đó diễn ra trên đường phố.

Một bức ảnh khác, cũng đôi quang gánh nhưng người phụ nữ này bán mía ướp lạnh. Chị là một cô gái còn trẻ. Chiếc nón lá chị móc vào đầu sau của gánh. Ở đầu trước, một tủ kính nhỏ trong đó có một mảng nước đá, xung quanh chất đầy những khúc mía đã róc sạch vỏ.

Một ngày với chị không phải chỉ bấy nhiêu mía trong tủ kính mà “hàng dự trữ” còn đầy ở đầu gánh phía sau. Bởi thế không lạ gì khi thấy chị oằn lưng với đôi quang gánh.

Đường phố Sài Gòn trước 1975 không đông đúc như bây giờ nên sự xuất hiện của những người bán hàng rong không gây trở ngại nào mà ngược lại còn điểm tô thêm cho sắc thái của Sài Gòn.

Một người đàn bà đứng tuổi với gánh bánh tráng kẹo rong ruổi trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), một trong những con đường lớn ngay giữa lòng trung tâm thành phố. Chị người Quảng Ngãi, nơi có món ăn dân dã độc đáo này. Một chiếc bánh tráng nướng và kẹo mạch nha được kéo thành từng mảng phủ kín lên trên, rất ngon và đậm chất quê hương.

Ngày nay có khác hơn. Cách bán buôn không nhọc nhằn như trước nhờ vào những công cụ trợ giúp. Tuy nhiên đồng tiền họ kiếm được cũng không kém phần cay đắng.

Xe mì trong ảnh nếu còn đến nay cũng phải gần 100 năm. Chiếc xe cũ kỹ. Trong thân xe là lò nấu nước, thùng nước lèo cùng củi than dự trữ. Mì được chứa trong những ngăn kéo.

Nghề nấu mì và xe mì là sản phẩm của người Hoa du nhập vào Việt Nam, sống với người Việt cùng với bao vui buồn đã trở nên quen thuộc.

Trước 1975, những chiếc xe mì này thường cố định ở một vị trí nào đó. Nó là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Từ người lao động đến anh thương gia, ai cũng cần một bát mì khi đói lòng.

Hàng rong bây giờ vẫn còn nhưng không như xưa. Đôi quang gánh và tiếng rao lảnh lót gần như đã vào dĩ vãng. Tiếng gõ “lốc cốc” của mì gõ cũng im ắng. Mì vẫn còn bán, mực vẫn còn nướng và nước mía vẫn ngọt như xưa nhưng những chiếc xe ấy trở thành huyền thoại. Với bây giờ, tất cả đều là kỷ niệm trong ký ức người dân Sài Gòn.

Duy Phan 11/12/2020

Bài viết được tham khảo:
Ký ức về gánh hàng rong một thời trên đường phố Sài Gòn ngày xưa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *