Nề nếp người Hà Nội xưa qua hồi ức: Tinh tế ngay từ chuyện khách đến chúc Tết không vào nhà ngay

Dịp Tết là một trong những ngày lễ quan trọng nhất với người Việt. Thế nhưng Tết xưa và Tết nay đã có nhiều nề nếp thay đổi, nhất là trong ký ức của những người Hà Nội xưa.

Tết Nguyên Đán là ngày mừng năm mới của người Việt. Mang ý nghĩa tiễn năm cũ, đón năm mới nên người Việt rất cẩn trọng những lễ nghi, nề nếp trong những ngày trước, trong và sau Tết bởi quan niệm, những gì mình làm vào đầu năm có thể ảnh hưởng đến cả một năm phía trước. Nếu những ngày tiễn năm cũ, đón năm mới mà mọi thứ đều được chuẩn bị kĩ lưỡng, có quy củ, theo đúng những lễ nghi thì năm mới đến mới có thể suôn sẻ, thuận lợi và may mắn.

Trong ký ức của nhiều người Hà Nội, Tết năm xưa và Tết nay tuy vẫn là bầu không khí ấy, nhưng nhiều thói quen tốt đẹp, những nề nếp rất mực Hà Nội đã không còn được duy trì nhiều.

Theo lề thói ấy, đàn ông trong nhà sẽ chịu trách nhiệm lau dọn bàn thờ, đàn bà lo mua sắm cho dịp Tết. Thói quen này sẽ bắt đầu từ 23 Tết, đúng ngày cúng ông Công, ông Táo, bởi khi ấy, không khí Tết mới thật sự có thể cảm nhận rõ rệt.

Nhiều gia đình Hà Nội còn phân rõ rằng việc lau dọn, sửa sang ban thờ là việc của nam giới, phụ nữ không được phép vào gian thờ nếu đàn ông trong nhà chưa làm lễ trước đó. Việc mua sắm lễ Tết lại thuộc phận sự của đàn bà. Tất cả những món quà biếu đôi bên họ hàng đến quà tặng những người đã giúp gia đình trong năm vừa qua, những mối quan hệ thân thiết, đều do một tay người phụ nữ lo liệu. Đôi khi, những món quà đậm chất Hà Nội chỉ gồm hộp mứt sen, gói chè bọc trong giấy bóng kính là thành quà Tết.

Dù bất kì dịp nào thì phòng khách luôn được xem là gian phòng “bộ mặt” của gia chủ. Tất cả đồ đạc sắp xếp trong đó sẽ đại diện cho người chủ nhà, cả về độ sạch sẽ, tươm tất, lẫn đồ đạc, cây hoa bày ở gian phòng này vào dịp Tết.

Bởi là phòng quan trọng nhất trong nhà, để tiếp đón khách vào dịp Tết nên mặc định là người lớn tuổi sẽ chịu trách nhiệm trang trí phòng khách, không để con cái, trẻ nhỏ làm việc này. Gia chủ sẽ chăm sóc từ việc lựa chọn cây, thế cây trong nhà, cho đến những đồ bày trí trong gian phòng đó.

Một trong những nề nếp thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ trong nhà nằm trong chính cách bày trí mâm cỗ ngày Tết. Đối với nhiều người Hà Nội, đặc biệt là các cô gái, từ tấm bé đã được mẹ dạy chỉn chu cách sắp xếp mâm cỗ. Từ việc phải chia ra các bát, đĩa nhỏ, đến việc không được bày mâm đồ ăn quá đầy để tạo thói quen ăn uống từ tốn, nhỏ nhẹ.

Đặc biệt, với những gia đình khá giả thì bữa ăn được chăm chút từ bộ bát đũa chăm chút đi. Bát dùng phải đúng bộ, cùng màu, đũa ngà chứ không thể tùy tiện mang một bộ cộc cạch, chiếc nọ chiếc kia lên mâm cỗ. Quy củ là các ông ngồi bàn, các bà ngồi sập, cũng không thể thiếu mâm đồng ba chân, chạm hình tùng cúc trúc mai.

Với người Hà Nội thì từng ấy nề nếp còn chưa đủ. Chẳng những tinh tế trong nhà mà ra cả đến ngoài phố, những quy chuẩn bất thành văn vẫn được duy trì. Ấy là cách ăn vận, đặc biệt của những người phụ nữ Hà Nội xưa vào dịp Tết. Đàn ông vốn vẫn duy trì áo vest, quần âu, giầy da và không có quá nhiều khác biệt so với hiện tại. Nhưng phụ nữ thì luôn yêu thích tà áo dài bất kể lứa tuổi. Dịp Tết là dịp lên ngôi của những chiếc áo dài màu sắc sặc sỡ, nổi bật hơn ngày thường, mặc cùng với chiếc quần trắng là đủ ra dáng một thiếu nữ Hà Nội. Các bà, các mẹ sẽ ưa thích quần màu đen, quần tối màu dài quá mắt cá chân, thêm phần điềm đạm và dịu dàng hơn.

Không chỉ dừng lại ở đó, có những thói quen dù nhỏ nhặt nhưng thể hiện sự khác biệt hiếm nơi nào có được ấy là cách những vị khách đến nhà chúc Tết. Người Hà Nội xưa sẽ dành đôi ba phút đứng bên ngoài nhà, khen bài trí bên ngoài, cái cây, ngọn hoa mà gia chủ bày biện, rồi mới vào nhà chúc Tết. Hỏi ra thì thói quen này là để như báo trước cho chủ nhà và không bước vào nhà quá đường đột, giữ ý tứ và sự tế nhị cho gia chủ.

Ngày cuối năm đang cận kề khiến nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi hoài niệm ngày Tết xưa. Dù truyền thống khó được duy trì toàn vẹn, nhưng những nếp ấy vẫn thể hiện một nền văn hóa từng hiện diện chốn Hà Thành xưa, dẫu phát triển và thay đổi, vẫn sẽ đi theo cái lề thói tinh tế, ý nhị xưa kia, thanh lịch cả trong cách tiễn năm cũ và đón năm mới của người Hà Nội.

Theo Thanh niên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *