“Một Người Đi” nỗi lòng thương tiếc cho người bạn thuở thiếu thời của nhạc sĩ Mai Châu

Nhạc sĩ Mai Châu tên thật là Mã Gia Minh sinh năm 1945 tại Bạc Liêu. Năm 1971 sau khi tốt nghiệp trường Dược Khoa ông về phục vụ cho cục Quân y Sài Gòn. Ông đã từng theo học nhạc với nhạc sĩ Hoàng Lang, và lấy bút danh sáng tác là Mai Châu và Chiêu Anh. Các sáng tác thịnh hành của ông trước năm 1975 : Một người đi, Tiếng hát chinh nhân, Một ngày tôi đi qua………

Năm 1963 ông quen biết và yêu ca sĩ Hoàng Oanh, lúc đó Hoàng Oanh là nữ sinh trường Gia Long. Năm 1972 hai người tiến tới hôn nhân, đến năm 1975 gia đình ông sang Mỹ định cư tại California.

 

Bài hát “Một người đi” được ông sáng tác năm 1967 được phổ lại từ bài thơ do chính ông sáng tác. Thời đi học ông có quen một người bạn, sau này người bạn của ông đi lính và hy sinh trên chiến trường Bình Long. Vì mẹ đã già không thể đi nhận xác con nên ông thay mặt gia đình lên nhận thay, lo tang lễ chôn cất cho bạn. Bài hát “Một người đi” được ra đời từ đó.

Tôi tiễn anh lên đường trời hôm nay mưa nhiều…lắm…
Mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim
Mình cầm tay nhau chưa nói hết một câu
Thôi đừng buồn anh nhé, tiếng còi đã ngân dài.

Chinh nhân ơi! Xin anh chớ buồn
Chinh nhân ơi! Xin anh chớ buồn
Người yêu anh còn đó, người yêu anh bé nhỏ …
Hứa thương…anh trọn đời.

Thức trắng đêm qua
Hai đứa chúng mình chưa vơi hết tâm tư
Ta kể nhau nghe những vui buồn ấu thơ.

Đếm lá thu rơi, mười bốn thu tàn tôi đã biết tên anh
Nay cách xa rồi, anh khoác chinh y
Tôi còn ở lại đưa tiễn một người đi.

Tôi đứng trông theo đoàn tàu đi xa xa thành phố
Tôi thấy dáng anh buồn, đôi mắt nhớ xa xăm
Vì ngàn yêu thương, anh xếp bút mực xanh
Băng mình vào sương gió
Sống trọn kiếp trai hùng.

Chinh nhân ơi! Khi anh trở về
Chinh nhân ơi! Khi anh trở về
Người yêu ra mừng đón
Người yêu anh bé nhỏ…sẽ thương anh trọn đời

Dù chưa hoàn thành khóa học nhưng anh lại nhận được thư đi lính nên đành phải xếp “bút mực xanh” lên đường nhập ngũ. Ngày anh đi trời mưa rả rích làm thấm  ướt đôi vai người lính, làm giá buốt con tim. Giây phút chia tay chưa kịp nói câu từ giã thì tiếng còi tàu đã báo hiệu rời ga.

Ngày còn tại trường đại học anh có yêu một cô gái, ngày tiễn anh đi cô vội nhét vào túi áo anh bức thư, nhưng bảo anh khi nào tới nơi thì mới được mở ra đọc. “Chinh nhân ơi xin anh chớ buồn”, “người yêu anh còn đó, sẽ thương anh trọn đời” trong bức thư cô có nhắc lại những kỉ niệm ngày hai đứa quen nhau, kèm theo đó là những lời động viên an ủi, nhắc anh phải chú ý an toàn, giữ gìn sức khỏe. Cô cũng thổ lộ tình cảm của mình cho anh biết  và hứa với anh sẽ luôn chờ đợi ngày anh trở về.

Từ ngày biết tên anh đến nay cũng là 18 năm tròn, nhưng nay anh đã ra đi mãi mãi chỉ còn mình tôi ở lại đưa tiễn anh về với đất mẹ yên bình. Nhớ lại hình ảnh ngày tiễn anh ra chiến trường, đôi mắt anh buồn, thoáng nhìn xa xăm như lưu luyến điều gì đó còn vương lại nơi này, vì mảnh đất yêu thương anh xin được làm trọn “kiếp trai hùng”.

Ngày nhận lại di vật của bạn, ông tìm kiếm giấy tờ tùy thân và những kỉ vật để trao lại cho gia đình thì phát hiện ra bức thư, ông bóc ra đọc mới biết là của người yêu bạn ông gởi, ông lục hết ba lô tìm thư hồi âm để gởi lại cho cô gái nhưng không thấy đâu. Đời lính rày đây mai đó, nhận thư người yêu đến khi chết vẫn chưa hồi âm được. Sau đó ông đã lần theo địa chỉ trong thư gởi điện tín cho cô và gia đình báo tin anh đã tử trận.

Ước mơ nhỏ nhoi, hết sức giản đơn mong ngày đất nước thái bình, người lính lại được trở về quê hương, trở về với mái gia đình thân yêu, trở về với cô người yêu bé nhỏ vẫn luôn chung thủy đợi chờ. Nhưng chiến tranh tàn khốc đã mang anh mãi mãi rời xa thế giới để lại bao tiếc thương cho người còn ở lại.

Phù Sa

21/10/2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *