Dòng họ lừng danh sử Việt của vị tiến sĩ đầu tiên đến trời Tây

Với truyền thống khoa cử nghìn năm, nước ta từng xuất hiện nhiều gia đình, dòng họ khoa bảng để lại tiếng thơm muôn đời, trong đó có gia đình của tiến sĩ Ngụy Khắc Đản.

Cùng với Phạm Phú Thứ và Phan Thanh Giản, Ngụy Khắc Đản là một trong 3 tiến sĩ đầu tiên của nước Việt được đặt chân tới phương Tây. Gia đình ông vốn có truyền thống khoa bảng nức tiếng lúc bấy giờ.

Dòng họ khoa bảng nức tiếng đương thời

Theo sách Việt Nam sử lược, năm 1407, khi Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh bại, tướng Ngụy Thức khuyên nhà vua: “Nước đã mất, làm vua không nên để cho người ta bắt, xin bệ hạ tự thiêu mà lưu tiếng nghìn thu”.

Tức giận, Hồ Quý Ly sai cʜém đầυ Ngụy Thức rồi chạy vào trốn ở hang núi Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Một số quan quân nhà Hồ chạy theo, trong số đó có con cháu của Ngụy Thức.

Sau khi cha con Hồ Quý Ly bị bắt đưa về Trung Quốc, con cháu Ngụy Thức về ở ẩn tại đất Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Tại đây, dòng họ này dần dần trở nên nổi tiếng về hiếu học.

Theo gia phả dòng họ, cụ Ngụy Khắc Hài chính là người đã mở ra truyền thống khoa bảng cho dòng họ Ngụy ở Hà Tĩnh. Sau khi đậu Tam trường năm Canh Tý đời Lê Cảnh Hưng (1780), lúc đầu, ông làm tri huyện Thiên Lộc (Can Lộc), sau về dạy học.

Ngụy Khắc Hài có 8 người con, trong đó có 3 con trai gồm Ngụy Khắc Thận, đậu cử nhân năm 1831, nhưng không ra làm quan, chỉ về mở trường dạy học.

Người con thứ hai Ngụy Khắc Tuần, đậu cử nhân năm 1821. Năm 28 tuổi, ông tiếp tục đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ sáu (1826).

Sau khi đỗ đạt, ông Ngụy Khắc Tuần làm quan qua các chức Tuần phủ, Tổng đốc, thượng thư bộ Hộ. Đến năm Tân Sửu 1841, ông dâng sớ thành lập phủ Điện Biên (nay là tỉnh Điện Biên).

Ông để lại các đầu sách Như Tân Ký, Xuân Viên thi tập, Vũ công hành trạng ký lược và 20 bài thơ đang được lưu giữ tại thư viện Viện Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm 1853, ông được vua Tự Đức cử đi sứ Trung Quốc. Ngụy Khắc Tuần có tiếng là người thanh liêm, mẫn cán, từng được vua yêu mến ban ngự chế. Về sau, ông tử trận khi đang giữ chức Hộ lý Tuần phủ quan phòng trấn Hưng Hóa (Quảng Trị), được truy tặng Hiệp biên đại học sĩ và được thờ trong đền Hiền Lương.

Người con trai thứ ba là Ngụy Khắc Thành, đậu cử nhân, nhưng mất sớm. Ông để lại ba tác phẩm đang được lưu giữ tại thư viện Viện Hán Nôm.

Tiến sĩ đầu tiên đến trời Tây

Ông Ngụy Khắc Đản là con trai duy nhất của cụ Ngụy Khắc Thận, sinh năm 1817, đậu cử nhân khoa Tân Sửu năm 1841. Năm 40 tuổi, ông đỗ Đình nguyên thám hoa khoa Bính Thìn năm 1856. Ông ra làm quan, thăng dần lên Án sát Quảng Nam.

Năm Quý Hợi (1863), ông được cử làm bồi sứ sang Pháp trong đoàn sứ bộ cùng chánh sứ Phan Thanh Giản và phó sứ Phạm Phú Thứ. Với chuyến đi này, Ngụy Khắc Đản là một trong 3 vị tiến sĩ đầu tiên của nước ta đặt chân tới trời Tây.

Hình chụp Ngụy Khắc Đản, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ ở Pháp năm 1863.

Trên đất Pháp, Ngụy Khắc Đản là một trong nhóm bốn người đã kể tội giặc, cùng với Phan Thanh Giản, Hồ Bảo Định và Nguyễn Trung Nguyên.

Trong dịp này, rất một số nhân vật của đoàn sứ giả Việt Nam có ảnh chụp tại Paris. Có lẽ đây là lần đầu tiên một đoàn ngoại giao nước Việt Nam được chụp ảnh; những hình ảnh này mang tính khoa học nhiều hơn là ngoại giao hay chính trị. Hình chụp quan chánh sứ Phan Thanh Giản, tương đối khá phổ quát trong sách in cũng như trên mạng. Bài viết sau đây nhằm giới thiệu môt số hình ảnh trong bộ ảnh đã số hóa của Thư viện Quốc gia Pháp. Đây là một phần ảnh chụp của tác giả Jacques-Philippe Potteau trong Bộ ảnh Nhân chủng học do Thư viện ảnh của Viện Bảo tàng Nhân loại (Paris) phát hành trong khoảng 1860-1869. Đa số trong năm trăm tấm do Jacques-Philippe Potteau chụp là ảnh bán thân chụp nghiêng và chụp trước mặt. Một số nhỏ là ảnh chụp người mặc quốc phục hay triều phục bản xứ.

Về tác giả – Jacques-Philippe Potteau là một nhà tự nhiên học thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Tại Paris. Tuy không phải là người chụp ảnh chuyên nghiệp, ông đã thuyết phục được viện bảo tàng cho phép lập một phòng chụp ảnh ở khu Vườn Thực vật. Tại đây Jacques-Philippe Potteau đã bắt tay vào việc thực hiện bộ ảnh nhân chủng học; ông chụp ảnh tất cả nhân viên của các đoàn sứ giả viếng thăm Paris và Viện Bảo tàng. Bắt đầu từ năm 1861, đến 1862 Jacques-Philippe Potteau ghi lại hình ảnh của các đoàn sứ giả từ Siam (nay là Thái Lan), Nhật Bản. Đến năm 1863, Jacques-Philippe Potteau đã ghi lại hình ảnh một số nhân vật trong đoàn sứ giả Việt Nam tại Paris mà chánh sứ là Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản.

Ngoài hình ảnh của Chánh sứ Phan Thanh Giản, trong bộ ảnh chụp đoàn sứ giả Việt Nam còn có Phó sứ Phạm Phú Thứ, Bồi sứ Ngụy Khắc Đản. Bộ ảnh đã số hóa này gồm 47 khung chụp các nhân vật trong đoàn sứ giả Việt Nam năm 1863 tuổi từ 17 đến 75 thuộc nhiều thành phần, từ học sinh, lính hầu, người giúp việc, đến các quan văn võ từ hàng thất phẩm đến nhất phẩm triều đình. Đặc biệt là những tấm hình vợ, con trai và con gái của một đại quan triều Gia Long là ông Philippe Vanier (1762-1842), một sĩ quan Hải quân Hoàng gia Pháp.

Tất cả hình ảnh nhân chủng học của tác giả đều có chú thích; tuy nhiên, ở thời điểm đó, tác giả người nước ngoài hiểu biết giới hạn về cách viết tên và địa danh tiếng Việt; người viết tin rằng tên viết trong các phụ chú cạnh hình chụp và những tên tiếng Việt ở đây cũng chỉ là phỏng đoán từ tên không có dấu, ắt có một số sai lầm.

Sau chuyến đi trở về, ông được bổ nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong triều đình như Bố chính Nghệ An, quyền Thượng thư bộ Binh, Công bộ Thượng thư sung Cơ mật viện, Tham biện.

Năm 1873, Ngụy Khắc Đản ốm mất ở quê nhà, thọ 56 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc, truy tặng hàm Thự hiệp biện đại học sĩ.

Tổng tài Quốc sử quán Nguyễn Thuật(1842-1911) có bài văn lúc Ngụy Khắc Đản qua đời, có câu:

“Ô hô! An Thạch vân vong, thương sinh ư ấp, lâm tôn khí thệ, sĩ loại đồng bi, nhiên tắc ngô bối chi bi đại nhơn, phi xuất ư nhứt chu chi tư dã. Quan san lộ viễn chấp phất vô do, lạo thảo sổ ngôn bội trữ tình tố vân nhỉ.”

Nghĩa:

Than ôi! An Thạch nói: “Chết trăm họ nghẹn lòng bi thiết”. Ngày lâm tôn (NKĐ) đã ra đi, hàng sĩ tri thức cùng bi thương, nhưng đó là bọn chúng ta thương xót đại nhơn, không phải xót thương vì ông cùng châu riêng với mình. Đường sá xa xôi, không đi đưa đám được, viết nhanh mấy lời tỏ hết tâm tình chân thật để tiễn đưa.

Kế tục dòng họ vang danh, con trưởng của Ngụy Khắc Đản là Ngụy Khắc Khoan cũng học giỏi, đậu cử nhân và được cử làm tri huyện. Tiếc rằng, ông mất lúc 23 tuổi, để lại một con trai là Ngụy Khắc Giản.

Sau này, Ngụy Khắc Giản đổi tên là Ngụy Hiến Tích. Năm Bính Ngọ (1906), đời vua Thành Thái, Ngụy Khắc Giản đậu cử nhân. Ông làm Huấn đạo huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), sau được điều ra Thanh Hóa làm kinh lịch giúp tổng đốc Thanh Hóa.

Sinh thời, ông được nhân dân yêu mến bởi phong cách làm việc năng nổ, giải quyết công việc nhanh chóng, công bằng. Năm Tân Mùi (1931), mẹ mất, ông xin nghỉ để hương khói thờ phụng. Ông được phong Hồng lô tự khanh, sau lại phong Quang lộc tự khanh tòng tam phẩm. Nhân dân địa phương gọi ông là cụ Hường.

Ông Ngụy Khắc Giản là người quan tâm và góp phần làm thay đổi bộ mặt ở địa phương Xuân Viên thành một xã Văn hóa và được vua phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong”. Đây là danh hiệu cao quý ban cho những gia đình có nhiều đóng góp cho xã hội đương thời.

Nguồn:

https://zingnews.vn/dong-ho-lung-danh-su-viet-cua-tien-si-dau-tien-den-troi-tay-post875318.html

http://www.vansu.vn/viet-nam/viet-nam-nhan-vat/1231/nguy-khac-dan

http://www.sugia.vn/portfolio/detail/1721/doan-su-gia-viet-nam-tai-paris-nam-1863.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *