Lê Hoàn xứng danh là vị Hoàng đế huyền thoại của nước Nam

Phá Tống, bình Chiêm, gìn giữ một dải giang sơn vững vàng bước qua những ngày binh lửa, dựng lập nền tảng chắc chắn cho quốc gia cất cánh bước vào kỷ nguyên thịnh trị, vua Lê Hoàn xứng đáng là vị Hoàng đế huyền thoại của nước Nam.

Dưới thời trị vì của mình, Lê Đại Hành luôn giữ một thái độ kiên quyết, dứt khoát với triều đình nhà Tống ở phía Bắc cả trên chiến trường lẫn trong việc ngoại giao. Điều đó khiến nhà Tống vô cùng kiêng nể Đại Cồ Việt, sau khi bại trận vẫn phải dùng lễ mà vỗ về, thăng thưởng cho Lê Đại Hành. Đây chính là bài học nghìn năm cho nước Việt trong mối quan hệ bang giao với các chính quyền phương Bắc.

Tranh vẽ trong đền thờ vua Lê Hoàn. (Nguồn: Wikipedia)

Khí chất của bậc anh hùng

Lê Đại Hành, tên huý là Lê Hoàn, sinh năm 941 mất năm 1005, cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị. Khi mới sinh ra, cuộc đời ông đã nhuốm màu huyền thoại. Chuyện kể rằng, khi mới mang thai, mẹ ông chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt. Bà bèn lấy hạt sen chia cho mọi người, riêng mình thì không ăn. Sau đó bà sực tỉnh dậy, không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi sinh ra Lê Hoàn, bà mới hiểu ra, bèn nói với mọi người rằng: “Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”. Được vài năm thì cả cha mẹ của Lê Hoàn đều qua đời. Ông sống một mình trong cảnh nghèo khó, côi cút. Cùng thôn có viên quan tên Lê Đột, nhìn thấy Lê Hoàn tư chất hơn người bèn nhận làm con nuôi, chăm sóc, dạy dỗ không khác gì con đẻ. Người ta kể rằng, từ nhỏ Lê Hoàn đã có Thiên long bát bộ che chở bảo vệ. Một đêm mùa đông nọ, trời rét, Lê Hoàn nằm ngủ trong nhà, thấy có ánh sáng đẹp toả rạng tứ phía. Cha nuôi Lê Đột đến lén nhìn thì thấy có một con rồng vàng đang che ấp, ủ ấm Lê Hoàn ở phía trên. Lê Đột vì thế mà càng thêm quý trọng Lê Hoàn, cho là người có chân mệnh.

Quả nhiên, Lê Hoàn càng lớn càng biểu hiện ra tư chất anh hùng. Sau này, ông theo hầu dưới trướng Nam Việt vương Đinh Liễn, là con trai của Đinh Bộ Lĩnh. Lê Hoàn tính tình phóng khoáng, có chí lớn nên được Đinh Bộ Lĩnh khen là người trí dũng, giao cho cai quản 1 ngàn binh sĩ. Sau này, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế vào năm 968, Lê Hoàn được phong làm Thập đạo tướng quân, trên thực tế là nắm binh quyền của cả nước, ngang với Nguyên soái. Năm 979, Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị ám sát, cung đình nhà Đinh biến loạn. Chính Lê Hoàn là người ra tay ổn định lại trật tự, đánh dẹp các thế lực làm phản, đưa con nhỏ của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi Hoàng đế. Lê Hoàn vì có công dẹp loạn nên được phong làm Phó vương, nắm quyền nhiếp chính, đảm đương việc nước.

Chính trong lúc ấy, nhà Tống ở phương Bắc bắt đầu nhòm ngó nước Nam. Bấy giờ đang là thời trị vì của Tống Thái Tông Triệu Quýnh. Tháng 6 năm 980, quan trấn thủ Ung Châu của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo dâng tấu khuyên Tống Thái Tông nên thừa cơ nước Nam rối ren, vua mới còn nhỏ mà đem quân chinh phạt, đặt lại nền thống trị đã mất từ thời nhà Đường. Tống Thái Tông bấy giờ mới lên ngôi Hoàng đế, rất cần một chiến công trên chiến trường để củng cố ngai vàng nên lập tức nghe theo.

Tháng 7 năm 980, Tống Thái Tông sai Hầu Nhân Bảo cùng bọn Tôn Toàn Hưng, Hác Thủ Tuấn, Trầm Khâm Tộ, Thôi Lượng, Lưu Trừng… hợp binh bốn hướng hẹn ngày xuất chinh đánh nước Nam. Trước khi mang đại quân sang chinh phạt, vua Tống gửi chiến thư cho Lê Hoàn, lời lẽ ngông cuồng: “Nay chín châu bốn biển đã yên, chỉ còn Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời… Ngươi định về theo ta, hay muốn chuộc lấy tội. Ta đang chuẩn bị xe ngựa, binh lính, cờ lệnh, chiêng trống… nếu ngươi quy hàng ta tha, nếu trái mệnh thì ta đánh. Theo hay không, lành hay dữ, ngươi tự nghĩ lấy”.

Triều đình mới dựng, vua còn nhỏ tuổi, lại phải đối mặt với nạn ngoại xâm ngay trước mắt, Lê Hoàn vẫn cho thấy sự điềm tĩnh phi thường của mình. Một mặt, ông vẫn tiếp tục hoà hoãn với nhà Tống, gửi thư sang điều đình, ý muốn hoãn binh. Một mặt, Lê Hoàn cấp tốc chiêu binh mãi mã, xây thành đào hào, chuẩn bị kháng Tống. Trong triều Đinh lúc ấy cũng có sóng gió. Tướng sĩ thấy vua mới còn nhỏ, thế giặc lại lớn nên đem lòng nghi ngờ. Thái hậu Dương Vân Nga khi ấy nhận ra lòng quân đều đã nghiêng về Lê Hoàn, bèn thuận theo ý Trời, khoác áo long cổn cho Lê Hoàn, nhường lại ngôi Hoàng đế cho họ Lê. Hành động này của Thái hậu Dương Vân Nga trở thành một câu chuyện bàn cãi không dứt trong lịch sử. Có người nói rằng bà đã bán rẻ cơ đồ của Đinh Tiên Hoàng trải qua trăm trận chiến gian khổ mới có được. Có người nói bà thông đồng với Lê Hoàn để cướp ngôi nhà Đinh. Nhưng trong tình thế thù trong giặc ngoài, vương triều ở trong cảnh trứng treo đầu gậy, quyết định của Thái hậu Dương Vân Nga là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Lê Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu (tức năm 980), lòng người đều thuận theo, tuyệt không còn nghi ngờ gì nữa. Nắm đại quyền trong tay, Lê Hoàn nhanh chóng xúc tiến việc kháng Tống, đưa cả nước vào thời chiến. Ông tự mình dẫn quân lên sát biên giới Trung Quốc, đốc thúc xây dựng phòng tuyến, đồng thời sai tướng đi trấn giữ các miền hiểm yếu.

Theo ước tính của các nhà sử học, quân đội nước Việt thời Lê Hoàn có chừng hơn 10 vạn người. Đó là một con số rất lớn nếu so với quy mô dân số nước Việt bấy giờ, và là một lực lượng đủ mạnh để chống lại quân nhà Tống tinh nhuệ, được trang bị tốt, lại có sĩ khí đang hăng. Trên bộ, Lê Hoàn cho xây thành Bình Lỗ làm cứ điểm phòng ngự. Ở đường thuỷ, ông lại cho binh sĩ cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng và nhiều sông ngòi khác để ngăn chặn thuỷ binh quân Tống. Sông Bạch Đằng là “miền đất chết” của thuỷ quân phương Bắc, là cái tên gợi nên nhiều ký ức đáng quên cho các vương triều phương Bắc. Trước thời Lê Hoàn, vào năm 938, thuỷ quân của nhà Nam Hán đã bị chôn vùi ở nơi đây khi Ngô Quyền lần đầu tiên dùng kế đóng cọc gỗ bịt sắt, nhử chiến thuyền của địch vào trận địa mai phục rồi đánh úp. Cho nên, Lê Hoàn chọn sông Bạch Đằng làm trận địa thuỷ chiến cũng là có lý do riêng của nó. Có lẽ ông đã nhớ lại hào khí ngất trời năm xưa của Ngô Vương mà quyết một lần nữa cho kẻ xâm lược một đòn đau ngay chính tại vết thương cũ.

Lê Hoàn xứng danh là vị Hoàng đế huyền thoại của nước Nam. Tác giả ảnh: Đỗ Duy Anh

Phá Tống, bình Chiêm, kiêu hùng Đại Cồ Việt

Cuối cùng, điều gì đến cũng đã phải đến. Năm 981, Hầu Nhân Bảo mang đại quân tiến xuống phía nam, sức như vũ bão, muốn nuốt trọn Đại Cồ Việt. Tuy nhiên, chiến thuật hợp lý của Lê Hoàn đã khiến quân Tống mãi giậm chân tại chỗ. Sau một vài trận thắng nhỏ lẻ trên thuỷ, quân Tống suốt mấy tháng trời phải án binh bất động vì liên tục bị các toán quân nhỏ của Lê Hoàn quấy phá, đánh tập hậu. Hai đường thuỷ bộ của quân Tống không thể hợp lại để cùng tiến về kinh đô Hoa Lư như dự kiến. Thành Bình Lỗ của Lê Hoàn lại kiên cố phi thường, chiến sự diễn ra dai dẳng, quân Tống bắt đầu nản chí, chán chường cho một cuộc viễn chinh mỏi mệt không hồi kết.

Trong thời gian đầu, khi quân Tống sĩ khí đang hăng, quân Đại Cồ Việt chịu nhiều tổn thất. Lê Hoàn bèn thay đổi cách đánh, xây dựng thêm phòng tuyến ở sông Lục Đầu, bao trọn đường tiến quân xuống đồng bằng Sông Hồng của quân Tống. Lê Hoàn sai quân sĩ cố thủ phòng tuyến, tránh đối đầu trực diện với đại quân Tống, tìm cách kéo dài ngày tháng, thậm chí dùng kế trá hàng, hoãn binh. Tất cả những đối sách linh hoạt ấy khiến quân Tống càng đánh càng như húc đầu vào đá, lại thêm thuỷ thổ không quen, binh sĩ mệt mỏi, quân Tống cứ ngày càng hao mòn nhiệt huyết. Trận thua đau ở sông Lục Đầu giáng một đòn mạnh vào ý chí chiến đấu của quân Tống. Quân lực hao tổn, chiến thuyền hỏng hóc không thể sửa được, đường tiếp lương thảo khó khăn, tắc nghẽn, cuối cùng quân Tống phải rút về đóng trại quanh sông Bạch Đằng, gần như bỏ ý định tốc chiến tốc thắng, quay về dưỡng binh.

Sau khi quân Tống lui về giữ thế phòng ngự, Lê Hoàn quyết định phản công, chọn Bạch Đằng là nơi diễn ra trận quyết chiến. Sử sách chép rằng, Lê Đại Hành đã cho 1 cánh quân ra khiêu chiến với quân Hầu Nhân Bảo. Chiến sự đang diễn ra quyết liệt thì quân Đại Cồ Việt vờ thua chạy, quân Tống thừa thắng đuổi theo truy kích. Khi chiến thuyền của Hầu Nhân Bảo đã lọt hẳn vào trận địa mai phục, Lê Đại Hành tung quân ra đánh ráo riết. Các chiến binh Đại Cồ Việt từ khắp các trận địa mai phục và từ các nẻo đường đổ về sông Bạch Đằng vây đánh quân Tống quyết liệt, sĩ khí ngợp trời, tinh kỳ dậy đất. Dù đông hơn nhưng trước sự hăng hái “một địch một trăm” của quân Đại Cồ Việt, quân Tống dần trở nên rối loạn đội hình và trở nên hoang mang tột độ khi đại tướng quân Hầu Nhân Bảo tử trận trong đám loạn quân. Tàn quân còn lại tháo chạy ra biển.

Lê Hoàn đại phá quân Tống năm 981. (Nguồn: Wikipedia)

Trận này quân Tống thiệt hại không sao kể xiết. Nghe tin Hầu Nhân Bảo tử trận, các cánh quân còn lại của nhà Tống trên bộ không đánh mà tự thoái. Lê Hoàn sai tướng sĩ truy kích đến cùng, quân Tống chết quá nửa trong khi tháo chạy. Trận Bạch Đằng, Lê Hoàn đã thi triển đúng mưu kế mà năm xưa Ngô Quyền đã sử dụng để chôn vùi đại quân Nam Hán. Sau trận thua thảm hại ở Bạch Đằng, nhà Tống phải rút hết quân về nước.

Tống Thái Tông nghe tin bại trận, giận dữ hạ ngục và chém đầu các tướng thua trận chạy về. Trước đó, vào năm 979, nhà Tống cũng nếm trải thất bại trong cuộc chiến ở biên giới phía bắc với nước Liêu. Trận thua ở nước Nam khiến Tống Thái Tông phải thay đổi cách trị nước, từ bình định bằng “võ” chuyển sang cai trị bằng “văn”. Bởi vậy, dù thua trận song nhà Tống vẫn hành xử khá mềm mỏng với Lê Hoàn. Tống Thái Tông buộc phải công nhận Lê Hoàn là người cai trị chính thức của Đại Cồ Việt. Hai bên nối lại giao hảo, cứ 2 năm một lần Đại Cồ Việt triều cống Đại Tống còn Đại Tống ban sắc phong cho Lê Hoàn.

Sau khi mạn bắc đã tạm yên thì phía nam lại dấy lửa can qua. Lê Hoàn phải đối phó với quân Chiêm Thành do Ngô Nhật Khánh (phò mã nhà Đinh trước đây) dẫn đường sang đánh. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước”. Cửa biển nơi quân Chiêm Thành bị chôn vùi còn gọi là “Thần Phù”, vẫn còn dấu tích đến ngày nay. Thần Phù tức là được Thần linh phù trợ. Điều đó càng cho thấy Lê Hoàn chính là mang trên mình sứ mệnh lớn, được Thần trợ giúp chống lại ngoại bang, để an định xã tắc, giang sơn.

Đến năm 982, Lê Hoàn thân chinh dẫn quân đánh vào Chiêm Thành để hỏi tội vua Chiêm vì đã giam giữ sứ giả của Đại Cồ Việt. Quân của Lê Hoàn đánh đâu thắng đó, tiến thẳng một mạch đến đô thành của nước Chiêm, chém vua Chiêm là Bế Mi Thuế tại trận. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thuật lại như sau: “Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là mỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư”. Kể từ đó quân Chiêm Thành đã không còn uy hiếp biên giới phía nam của Đại Cồ Việt nữa. Lê Hoàn chiến thắng trở về, trở thành một Hoàng đế uy võ trải khắp bắc nam, uy tín lên tột đỉnh, các nước lân bang quy phục, thậm chí ngay cả nhà Tống cũng phải kính nể vài phần.

Giữ thế chủ động trong quan hệ với nhà Tống

Sau khi đánh bại quân Tống, Lê Hoàn đã chiếm thế thượng phong trong quan hệ bang giao. Tiếng là mỗi năm hai lần, Đại Cồ Việt phải triều cống cho nhà Tống song thực chất vua Tống luôn phải nhún nhường vài phần trước kẻ anh hùng ở nước Nam này. Có rất nhiều câu chuyện có thể minh chứng cho điều đó.

Năm 990 vua Tống Thái Tông sai sứ sang phong thêm cho Lê Hoàn hai chữ “Đặc tiến”. Lê Hoàn sai tướng mang 9 chiến thuyền và 300 quân sang tận Liên Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) đón sứ, tỏ rõ uy danh Đại Cồ Việt khiến sứ nhà Tống phải dè chừng. Khi đến kinh đô Hoa Lư, vua Lê bố trí sẵn đại quân trang phục chỉnh tề, gươm giáo sáng loáng tập trận trên các sườn núi, trống trận nổi lên sĩ khí reo hò dậy đất. Phía dưới sông nhiều chiến thuyền tinh kỳ bay rợp trời đất, khiến sứ thần nhà Tống cả sợ.

Bấy giờ sứ thần sang phong cũng giản dị nên nhà vua coi thường, đón tiếp sơ sài. Ở chỗ sứ quán, đồ cung tiếp không đầy đủ. Khi sứ sắp đến, Lê Hoàn mới làm gian nhà lợp tranh đề chữ “Mao kính dịch”, nghĩa là trạm qua đường lợp cỏ tranh. Khi sứ giả đến cửa điện Minh Đức, Lê Hoàn nhận tờ chế đặt trên điện, nhất định không quỳ. Lê Hoàn nói với sứ thần rằng mình “đích thân đánh giặc Man, ngã ngựa đau chân nên không quỳ được”. Sứ nhà Tống không làm gì được, lại vừa tận mắt thấy binh lực hùng hậu của Đại Cồ Việt nên bỏ qua.

Vua Lê còn dùng đại tiệc tiếp đãi sứ giả và cho xem màn biểu diễn binh lính đánh hổ, nhằm cho sứ giả thấy sức mạnh binh sĩ. Sau đó vua Lê nói với sứ giả rằng: “Đường sá xa xôi, núi sông hiểm trở, sau này nếu có thư tín gì về việc nước, thì nên giao cho đầu biên giới, khỏi phiền sứ quân đến đây”. Sứ thần về tâu lại, vua Tống cũng phải nghe theo.

Vua Lê cũng nhiều lần mang quân chủ động đánh vào địa phận của Trung Quốc. Năm 995, hơn 100 chiến thuyền của Đại Cồ Việt đã tiến sang bờ biển nước Tống, đánh vào trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu, sau đó rút quân. Khi nhà Tống gửi thư hỏi, vua Lê Đại Hành đã trả lời đầy thách thức rằng: “Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở cõi ngoài, hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Nhung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi?”. Vua Tống biết được cũng làm ngơ không quở trách gì, hơn nữa còn sai sứ giả là Lý Nhược Chiếu mang chiếu thư và đai ngọc sang tặng cho vua Lê.

Ngay sau đó, năm 996, khoảng 5.000 hương binh châu Tô Mậu (Lạng Sơn) của Đại Cồ Việt lại tiếp tục tấn công vào Ung Châu rồi lui binh. Hơn nữa, khi quan binh nước Tống quấy nhiễu ở biên giới với Đại Cồ Việt vào năm 997, chính vua Tống đã định tội những người này, thậm chí còn xử chém. Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép lại rằng: “Trương Quan lại dâng thư nói rằng nhà vua bị họ Đinh xua đuổi, thu nhặt đám quân còn sót, ra ở nơi hải đảo, cướp bóc để độ thân, nay đã mất rồi. Vua Tống sai thái thường thừa là Trần Sĩ Long làm Thái phóng sứ, sang dò hư thực, mới biết những lời Trương Quan đều dối trá cả, bèn xuống chiếu nghị tội bọn Trương Quang”. Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép sự việc này như sau: “Nhà Tống xử tội bọn Trương Quan, Quan đã ốm chết, chém Vệ Chiêu Mỹ ở trấn Như Hồng”. Có thể thấy, sự kiên quyết và tài thao lược của Lê Hoàn đã khiến nhà Tống luôn luôn phải chọn cách ngoại giao mềm mỏng, nhu nhường. Vị thế Đại Cồ Việt trong quan hệ với Trung Quốc trước nay chưa từng cao đến thế!

***

Hoàng đế Lê Đại Hành là bậc anh hùng chống ngoại xâm, cũng là vị minh quân trị nước sáng suốt, mở ra một nền thái bình cho nước Việt suốt mấy trăm năm sau dưới thời Lý – Trần. Đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc, dù là nước nhỏ hơn song Lê Đại Hành luôn luôn có ý thức tự cường dân tộc mạnh mẽ. Suốt hàng nghìn năm lịch sử, những lời khen, lời bàn về hoàng đế Lê Đại Hành đã quá nhiều. Tuy nhiên, xin được lấy lời bình của sử gia Lê Văn Hưu đời Trần để kết thúc câu chuyện về vị Hoàng đế huyền thoại này:

“Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được”.

Tác giả Tịnh Văn. Bài gốc từ DKN.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *