Công tử Bạc Liêu chơi ngông đốt tiền làm đuốc tìm tiền

Sở hữu một gia tài đồ sộ, công tử Bạc Liêu có nếp sinh hoạt không ai có thể theo kịp. Dường như đây là hệ quả một người chưa từng tự tay làm ra một tài sản nào dù là nhỏ nhất nhưng lại có trong tay quá nhiều tiền. Vì thế ông vung tiền vào những cuộc chơi vô bổ và dù có mất đi cũng bình thản chẳng thấy xót xa …


Chân dung Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy

Trần Trinh Huy (1900 – 1974) hay còn gọi là Ba Huy, là một công tử ăn chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Mức độ vung tiền tiêu xài của ông rất nổi danh, xếp hạng đầu bảng trong số các Công tử Bạc Liêu thời bấy giờ, đến nỗi khi nói đến thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” người ta thường liên tưởng đến ông.

Thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” vốn ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20. Thời đó, thực dân Pháp đã ổn định về tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ. Ông Trần Trinh Trạch (cha của công tử Bạc Liêu) từ việc được nhà vợ chia cho ruộng đất, về sau ông cho vay nặng lãi để cầm cố đất của những công tử nhà giàu ham chơi cờ bạc, ông cũng có quan hệ thân thiết với thực dân Pháp nên được ưu tiên mua nhiều ruộng đất tốt, gia sản ông Trạch vì thế ngày một phình to.


Hai vợ chồng công tử Bạc Liêu.

Thời đó dân gian đã có câu “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch” để chỉ 4 vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ. Theo phong trào khi ấy, các đại điền chủ, hào phú quyền quý khắp Nam Kỳ thường cho con lên Sài Gòn học ở các trường Pháp, thậm chí du học bên Pháp. Tuy nhiên, hầu hết các vị công tử giàu có này, ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường tay chơi để thể hiện mình. Trong số vị công tử ấy, không ai đủ sức xài tiền như các công tử Bạc Liêu. Thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” có từ lúc ấy.

Về sau, thành ngữ này chỉ dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy vì chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và độ phóng túng đối với vị công tử này. Từ đó “Công tử Bạc Liêu” trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không một ai có thể tranh chấp.

Cậu Ba Huy và những cuộc chơi

Một ngày bình thường, cậu Ba Huy vẫn giữ phong thái xa hoa và sang trọng. Một bộ complet đúng mốt bằng loại vải đắt tiền nhất, mắt kính gọng vàng, đầu chải bóng loáng ẩn bên trong chiếc nón Mossant, chân đi giày da Bậu, cậu bước vào tiệm ăn sáng. Thường thì cậu ăn sáng kiểu Tây rồi đi lanh quanh đến trưa ăn cơm Tàu rồi tối tiếp tục cơm Tây.


Khi đi đòi nợ các tỉnh, ông Huy dùng chiếc Ford Vedette. Đây là loại ra đời vào năm 1948. (ảnh dulichvietnam.com.vn)

Ở Bạc Liêu dăm ba bữa cậu lên Sài Gòn đổi gió. Ngồi trên chiếc xe mới tinh có tài xế lái cậu Ba Huy đi thẳng khi thì khách sạn Majestic, lúc thì Soái Kình Lâm, mặc dù cơ ngơi nhà cửa của dòng họ Trần Trinh tại Sài Gòn không phải là nhỏ.

Có lúc cậu Ba chơi theo kiểu lập dị. Cậu lên ngồi trên một chiếc xe kéo dạo một vòng quanh Sài Gòn. Chiếc xe vừa được kéo đi cậu nhìn lại thấy còn khoảng hơn 20 chiếc chờ khách. Không do dự, cậu gọi hết các xe đó lại, mỗi xe chở cho cậu một thứ. Thế là một đoàn xe kéo dài thườn thượt mà trên mỗi xe chỉ chở một món đồ như cặp kính, cây gậy, chiếc nón… Những người phu xe mừng rỡ nhận được khoản tiền hậu hĩnh từ những chuyến đi như thế.

Cậu Ba không ở lâu một nơi nào. Cậu thường xuyên di chuyển khi thì Vũng Tàu, lúc lên Đà Lạt hoặc trở về Cần Thơ. Cậu luôn chìm đắm trong những cuộc truy hoan suốt sáng thâu đêm. Những chai rượu champagne đắt tiền nhập từ Pháp, những món ăn cầu kỳ lạ miệng đều được bày biện trong những tiệc rượu có cậu tham dự.

Sau những cuộc nhậu nhẹt ngút trời như thế, cờ bạc là thú vui không thể thiếu được với cậu ba Công tử Bạc Liêu. Cậu từng đánh bạc với quốc trưởng Bảo Đại, với Bảy Viễn – một tay giang hồ trùm sòng bạc Đại Thế Giới. Trong những lần đánh bạc như thế, có lần cậu thua đến 30.000đ. Thời điểm này lúa chỉ có 1,7đ/giạ và lương của Thống đốc Nam kỳ cũng chỉ 3000đ/tháng.


Bên ngoài căn nhà của Công Tử Bạc Liêu

Trong công việc hàng ngày, cậu ba vốn đã đi Tây về tích lũy được chút kiến thức nên đầu óc lúc nào cũng muốn cách tân. Công tử Bạc Liêu đã thuê một người Pháp tên Henri giỏi quản lý về Bạc Liêu cai quản việc làm ăn của gia đình. Theo hợp đồng, người quản lý được hưởng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì được phần trăm hậu hĩnh, ông Henri ở hẳn lại Việt Nam để làm cho ba Huy đến tháng 4 năm 1975 mới về nước.

Ngoài ra, công tử Bạc Liêu còn tổ chức các cuộc chơi trong dân gian như hội chợ đồng bằng và mở cuộc thi hoa hậu miệt vườn. Điều oái oăm thay, các hoa hậu, á hậu sau đó đều lọt vào tay ông.

Chuyện ăn chơi của công tử Bạc Liêu khó có ai có thể bì kịp. Nhưng cái quí ở công tử là tuy ăn chơi trác táng, phung phí tiền của như thế, một chút lòng nhân hậu, thương người vẫn còn tiềm tàng trong tâm thức chàng trai phong lưu này.

Ông quan hệ rộng, thân thiện với mọi người không phân biệt sang hèn. Những tá điền túng thiếu, khó khăn thường được ông xóa nợ. Ông cũng có những trợ giúp thiết thực đối với những người thuê ruộng ông không may lâm vào ngõ cụt.

Câu chuyện “đốƫ tiền làm đuốc”

Trong hàng chục, hàng trăm “chiêu trò” làm cho Công tử Bạc Liêu lưu danh hậu thế, có lẽ câu chuyện “đốƫ tiền làm đuốc” là nổi bật hơn cả.


Con trai Công tử Bạc Liêu bên ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu (nay là khách sạn Công tử Bạc Liêu).

Câu chuyện có thật này xảy ra ở thị xã Bạc Liêu và nhanh chóng được đồn thổi khắp Nam Kỳ, lên cả mặt báo. Đó là lần gánh hát Huỳnh Kỳ do Công tử Mỹ Tho mới thành lập về hát ở Bạc Liêu, gần nhà của Công tử Bạc Liêu. Lúc đó cô Bảy Phùng Há là đào chính của gánh hát Huỳnh Kỳ, nhưng chưa thành vợ của George Phước. Cả Ba Huy và George Phước cùng đang theo đuổi, chinh phục người nữ nghệ sĩ tài năng. Vì là chỗ quen biết, cũng là để khoe mẽ, nên khi gánh hát Huỳnh Kỳ của mình về Bạc Liêu, Công tử Mỹ Tho đã đích thân đến Nhà Lớn mời Công tử Bạc Liêu đến xem tuồng hát.

Vở diễn kéo màn, hai vị “đại công tử” ngồi gần nhau trên hàng ghế đầu, xung quanh là nhiều quan chức tỉnh Bạc Liêu. Trong lúc mọi người đang say sưa hướng mắt về sân khấu xem cô Bảy Phùng Há xuống câu vọng cổ ngọt ngào trong vở cải lương “Lữ Bố – Điêu Thuyền”, George Phước rút thuốc hút, tình cờ làm rơi tờ giấy bạc “bộ lư” (mệnh giá 5 đồng Đông Dương) xuống nền. Công tử Mỹ Tho cúi xuống tìm nhặt tờ giấy bạc, nhưng trong rạp ánh sáng lờ mờ, nên tìm hoài không được.

Công tử Bạc Liêu thấy lạ hỏi: “Toa làm gì đó?”. “Moa làm rớt tờ giấy bạc” – Công tử Mỹ Tho trả lời. Trong bóng tối, không ai nhìn thấy một thoáng nhíu mày toan tính của Công tử Bạc Liêu.

Như phát hiện ra điều gì đó thú vị, Ba Huy mỉm cười, rồi không nói không rằng, bất ngờ móc túi lấy tờ giấy bạc “con công” (mệnh giá 100 đồng Đông Dương, tương đương khoảng 15 triệu đồng hiện nay) rồi lạnh lùng bật hộp quẹt đốƫ để làm “đuốc” soi cho Công tử Mỹ Tho tìm tờ giấy bạc bị đánh rơi.

Chuyện “đốƫ tiền làm đuốc” diễn ra trước mắt nhiều người, toàn là dân có tiếng, nên sau đó họ đồn thổi thành chuyện ly kỳ giữa Công tử Bạc Liêu và Công tử Mỹ Tho. George Phước bị chơi một vố quá nặng, quá mất mặt trước mọi người.

Chuyện kể tiếp rằng, do bị thua một vố quá đau trong vụ đốƫ tiền làm đuốc ở Bạc Liêu, nên Bạch công tử tìm cách trả đũa lại Hắc công tử và ông đã ra lời thách đấu, cũng liên quan đến chuyện đốƫ giấy bạc. Đó là thi nhau đ.ố.ƫ giấy bạc để nấu nồi chè đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng. Hắc công tử đã nhận lời thách đấu và cuối cùng George Phước đã chiến thắng, đòi lại được món nợ trong rạp hát ngày nào. Sau này có nhạc sĩ đã dựa vào giai thoại trên để viết bài hát về Công tử Bạc Liêu “đ.ốƫ tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”.


Bên trong ngôi nhà 100 tuổi của công tử Bạc Liêu

Một lần, người viết bài này đã có buổi tối ngồi nhậu rượu đế với ông Trần Trinh Đức – năm nay 65 tuổi, con trai Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Theo lời ông Đức thì lúc còn sinh thời của Công tử Bạc Liêu, ông Đức đã từng hỏi cha về các giai thoại lấy tiền nói trên. Công tử Bạc Liêu xác nhận với con có chuyện đ.ố.ƫ tờ giấy bạc làm đuốc trong rạp hát, như là cách ông chơi trội đối với George Phước. Còn chuyện thi lấy tiền nấu chè đậu xanh thì đúng là George Phước có thách thức thật, nhưng Công tử Bạc Liêu đã từ chối khéo.

Ông nói với con: “Để tiền chơi gái sướng hơn, chứ tội gì bỏ cả đống tiền để nấu chè. Chưa biết chừng Tây nó nghe chuyện bắt bỏ tù cũng nên vì tội hủy hoại nhiều giấy bạc”.

Người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng

Nếu không tính Vua Bảo Đại được trang bị máy bay riêng từ tiền ngân khố quốc gia lúc ấy, thì Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng. Từ Pháp trở về, sau khi được ông Hội đồng Trạch tổ chức đại tiệc để ra mắt giới quan chức, điền chủ khắp lục tỉnh Nam Kỳ, Ba Huy dành 3 tháng làm một chuyến du ngoạn khắp từ Nam chí Bắc bằng chính chiếc xe Chevrolet mà ông Hội đồng Trạch mới mua. Trong chuyến đi xuyên Việt này, Ba Huy có dịp xài tiền như nước, ước tính lên đến vài triệu đồng Đông Dương lúc đó, tương đương gần 10kg vàng.


Máy bay thăm ruộng’ của công tử Bạc Liêu

Trở về Bạc Liêu, Ba Huy được ông Hội đồng Trạch tin cẩn giao cho cai quản cơ ngơi làm ăn của cả gia đình: Hơn 100 ngàn hécta ruộng lúa và hơn 50 ngàn hécta ruộng muối ở Bạc Liêu và các tỉnh lân cận. Điều đó cũng dễ hiểu, trong số các con của Hội đồng Trạch, Ba Huy là người học cao hơn hết, lại chứng tỏ bản lĩnh, sự lịch lãm hơn người, vì vậy mà được cha tin tưởng giao trông coi toàn bộ cơ nghiệp của gia đình.

Tiếp nhận chuyện quản lý “vương quốc” đồng ruộng cò bay thẳng cánh này, Ba Huy thuyết phục ông Hội đồng Trạch mua máy bay để… đi thăm ruộng. Trước đó, ông Hội đồng Trạch đi thăm ruộng bằng xe hơi đối với đường bộ, hoặc bằng ghe máy khi phải đi trên sông, ông còn chưa nghĩ tới chuyện trang bị xuồng máy cao tốc. Ba Huy cho rằng như vậy là quá lạc hậu.

Thuở ấy, trên toàn nước Nam chỉ mới có Vua Bảo Đại là có máy bay riêng. Vua Bảo Đại thường dùng máy bay để bay từ Huế vào Sài Gòn đánh bạc, rồi bay lên Đà Lạt nghỉ ngơi, bay đi Buôn Ma Thuột săn thú… Bằng cách khéo léo thuyết phục rằng nếu dòng họ Trần Trinh không sớm sắm máy bay, các đại điền chủ khác sẽ sắm, gia tộc Trần Trinh sẽ không có cơ hội là gia đình đầu tiên ở nước Nam có máy bay (trừ Vua Bảo Đại), Ba Huy đã thuyết phục được ông Hội đồng Trạch bỏ một núi tiền để mua máy bay. Một hợp đồng mua máy bay, loại 2 cánh quạt, 2 chỗ ngồi, đã được Công tử Bạc Liêu ký với hãng cung cấp máy bay của Pháp. Theo một vài nguồn thông tin, giá trị hợp đồng lên đến vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100kg vàng.

Khi máy bay chưa về tới Sài Gòn, nhờ Ba Huy quan hệ tốt với cánh báo chí, vào ngày 24 tháng 6 năm 1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã loan tin giật gân Công tử Bạc Liêu mua máy bay với tít lớn ở trang nhất: “M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède un avion et il aménager une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau”, có nghĩa “Ông điền chủ Trần Trinh Huy sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau”.


Ông Trần Trinh Đức bên chân dung của cha mẹ (Công tử Bạc Liêu và vợ) trong khách sạn Công tử Bạc Liêu ngày nay.

Người dân Sài Gòn và các điền chủ Nam Kỳ còn đang nửa tin nửa ngờ thì máy bay về tới Sài Gòn thật. Cũng bằng cách nhờ báo chí lăng xê, hình ảnh Ba Huy và chiếc máy bay “thứ hai ở Việt Nam” xuất hiện trang trọng trên trang nhất của nhiều tờ báo. Ba Huy đánh dây thép kêu tài xế chở ông Hội đồng Trạch từ Bạc Liêu lên Sài Gòn để đích thân Ba Huy lái máy bay đưa cha trở về Bạc Liêu. Đó lại là một ngày đáng nhớ của gia đình Hội đồng Trạch. Nhìn Ba Huy cho máy bay chạy “như bay” trên đường băng Tân Sơn Nhất, rồi nhấc mình khỏi mặt đất, ông Hội đồng Trạch chỉ biết ôm chặt thành ghế, chỉ sợ rớt xuống đất. Đến khi máy bay lấy độ cao, thăng bằng trở lại, ông mới dám mở mắt ra.

Lần đầu tiên được bay lên trời, ông Hội đồng Trạch vừa mừng vừa lo, không biết thằng con Ba Huy có bay được về tới Bạc Liêu không. Ông mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng, như thể đi lễ hội. Ba Huy chưa vội trực chỉ hướng Tây Nam, mà cho máy bay lượn một vòng quanh thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn và chỉ cho ông Hội đồng Trạch đâu là sông Sài Gòn, đâu là Chợ Lớn, ngoài xa là biển Đông…

Từ trên mây nhìn xuống đất, ông Hội đồng Trạch không chớp mắt, ra chiều thú vị. Bất ngờ ông vỗ đùi cái đét nói: “Trên này ngó xuống đất chỉ thấy phía dưới mờ bụi đỏ. Mà “bụi đỏ” chữ Nho có nghĩa là “hồng trần”. Hèn chi người xưa nói cuộc đời là hồng trần, bây giờ đi máy bay tao mới hiểu”. Ba Huy mỉm cười giải thích: “Không hẳn vậy đâu ba. Tại bên dưới là vùng Gò Vấp đất đỏ, nên khi gió cuốn ba thấy mù bụi đỏ. Chút nữa tới vùng đồng bằng đất đen xứ mình, gió cuốn bụi đen sì, lúc đó đâu còn là hồng trần”.

Máy bay lướt qua sông Tiền, rồi sông Hậu, cậu Ba Huy hướng máy bay về phía Sóc Trăng, nơi đó có Bãi Xào, là một trong những sở đất trồng lúa lớn nhất của ông Hội đồng Trạch. Xong, Ba Huy bay ra phía biển, cho máy bay bay cặp theo bờ biển hướng về phía Bạc Liêu, bên dưới là những sở ruộng làm muối của Hội đồng Trạch chạy dài theo biển.

Theo hướng chỉ tay của Ba Huy, ông Hội đồng Trạch thấy từ xa ở phía dưới là “châu thành Bạc Liêu”. Chiếc máy bay lượn mấy vòng trên bầu trời thị xã Bạc Liêu để cho ông Hội đồng Trạch thấy đâu là Nhà Lớn của mình, đâu là sông Bạc Liêu và chiếc cầu Quay bắc qua sông. Chiếc máy bay bay vòng tròn, theo hình trôn ốc, hạ thấp dần, lấy tâm là Nhà Lớn. Cả gia đình ông Hội đồng Trạch và dân thị xã Bạc Liêu đã được báo trước, họ đứng phía dưới vẫy chào chiếc máy bay đang lượn qua lượn lại trên đầu. Ý ông Hội đồng Trạch còn muốn “quần thảo” trên bầu trời Bạc Liêu thêm nữa, nhưng Ba Huy nhìn đồng hồ báo nhiên liệu rồi bảo với cha là “sắp hết xăng”, vì vậy ông Hội đồng Trạch mới chịu đi tiếp. Chiếc máy bay trực chỉ hướng thị xã Cà Mau, cách Bạc Liêu 60 cây số, nơi có sân bay cá nhân của gia đình Hội đồng Trạch vừa được xây dựng trước đó trên chính sở ruộng của mình. Từ Cà Mau, ông Hội đồng Trạch trở về Bạc Liêu bằng xe hơi, còn cậu Ba Huy thì ở lại với chiếc máy bay để hàng ngày bay đi thăm ruộng.


Chiếc máy bay Morane, loại mà Công tử Bạc Liêu đã mua thuộc hạng tối tân nhất trong các dòng máy bay nhỏ của Pháp thời bấy giờ Ảnh: TƯ LIỆU

Thường thì Ba Huy bay một mình, nói là thăm ruộng nhưng chủ yếu là để thỏa cái thú ăn chơi của mình. Thỉnh thoảng Ba Huy cũng lái máy bay đưa ông Hội đồng Trạch đi thăm các sở ruộng ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Có một lần Ba Huy một mình lái máy bay đi thăm ruộng ở Cà Mau. Cao hứng, Công tử Bạc Liêu bay dọc theo bờ biển về phía Rạch Giá, Hà Tiên, nơi không có ruộng nương nào cả của gia đình Hội đồng Trạch. Ba Huy phát hiện một điều thú vị, từ trên cao nhìn xuống, bờ biển Tây từ Cà Mau tới Rạch Giá như một đường thẳng chứ không gấp khúc như những bờ biển nơi khác.

Ba Huy cứ men theo đường thẳng ấy mà bay, để rồi không biết phương hướng bay lạc sang Campuchia, bay tiếp qua cả Thái Lan. Máy bay hết xăng, Ba Huy xin đáp khẩn cấp xuống đất Thái Lan. Nhà chức trách Thái Lan đã phạt Ba Huy số tiền lớn về tội xâm nhập không phận trái phép.

Ba Huy đánh dây thép về Bạc Liêu, ông Hội đồng Trạch phải cho chở 3 chiếc ghe chày loại lớn đầy lúa qua tận Thái Lan để nộp phạt chuộc Ba Huy và máy bay đem về. Ước tính số tiền nộp phạt khoảng vài ngàn đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10kg vàng.

Trong các sử liệu không thấy ghi số phận sau này của chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu. Có người nói Ba Huy chơi mãi cũng chán nên bán rẻ lại cho người khác. Có người nói do sân bay ở gần vùng biển gió mặn nên sớm xuống cấp, rồi hư hỏng, Ba Huy phải bỏ “trồng hành”. Chỉ một thú tiêu khiển của Công tử Bạc Liêu đã ngốn hàng trăm ký vàng!

Có lấy tiền nấu trứng không ?

“Bạc Liêu là xứ cơ cầu

Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu

Nghe danh Công Tử Bạc Liêu

Ðốƫ tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu!”

4 câu trên là những câu dân gian truyền miệng. Hai câu đầu nói về sự hiện diện của người Hoa trên đất Bạc Liêu (vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) rất đông như cá chốt dưới sông. Riêng 2 câu sau nói về một giai thoại mà ai cũng biết, cũng nhắc đến, chuyện lấy tiền nấu trứng.

Đến nay, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người trong cuộc thậm chí cả những người gần gũi với họ cũng đã ra người thiên cổ. Câu chuyện vẫn cứ tiếp tục là một giai thoại, tiếp tục truyền miệng.


Phòng khách bên trong nhà Công tử Bạc Liêu

Chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu sự việc này được ông Trần Trinh Đức là con thứ 4 của cậu Ba Huy cho biết : “Bây giờ nếu tôi nói không có thì dư luận bảo rằng “con bênh cha”. Tôi đã lên tiếng đính chính nhiều lần nhưng không ai nghe và vẫn cứ truyền miệng.

Trước đây tôi đã từng hỏi cha tôi về việc này thì ông nói chơi ngông thì cũng có lúc chơi ngông để cho thiên hạ chú ý tới mình. Tuy nhiên, khi chơi phải biết chơi tới đâu thì dừng lại. Mình đâu có ძại ძột gì mà đem tiền ra để làm vậy.


Toàn cảnh nhà công tử Bạc Liêu

Ông Đức đã đưa anh đến gặp bà Hồ Ngọc Sương (81 tuổi ngụ tai ấp Tân Tạo xã Châu Hưng H. Vĩnh Lợi Bạc Liêu). Bà Sương vốn là người làm trong nhà công tử Bạc Liêu từ lúc 15 tuổi. Bà Sương quả quyết, chuyện lấy tiền nấu trứng là chuyện đồn thổi. Bà nói : “Ngày đó lúc nghe chuyện cậu Ba “chơi ngông”, nhiều gia nhân trong nhà cũng đàm tiếu. Cậu Ba nghe chỉ cười rồi bảo: “Chuyện ngồi lê đôi mách là chuyện muôn đời, Đông – Tây đều có, mình làm mình phải biết, hơi đâu mà lưu ý những “miệng lằn lưỡi mối”.

Những câu chuyện như dùng tiền nấu trứng hay trong lúc xem hát cậu Ba Huy phải ngồi chồm hổm xuống nền xi măng tối thui để mò mẫm tìm lại tờ con công (năm đồng) vừa rớt và bị cậu Tư làm bẽ mặt bằng hành động móc tờ tiền “oảnh” (hai chục đồng) làm đuốc soi sáng vốn đã trở thành giai thoại.

Lúc sinh thời, phát biểu với một nhà báo, NSND Phùng Há nói: “Những lúc nhàn nhã, tôi có hỏi cậu Tư (Bạch công tử – PV) về những giai thoại này. Cậu chỉ cười: “Đó chỉ là những chuyện thêu dệt. Tôi đâu có phí phạm tiền của để chơi ngông, chứng tỏ mình giàu có một cách vô học”. Sống với cậu Tư nhiều năm, tôi cũng biết cậu Tư là một người từng học trường Tây, tính tình điềm đạm, chắc chắn không thể nào hiếu thắng đến độ có thể tham gia một cuộc thi thố vô bổ, không trí tuệ như vậy được”.

Câu chuyện xoay quanh 2 nhân vật Hắc – Bạch công tử. Cả 2 đều không còn và những người thân của 2 bên đều xác nhận đó chỉ là thêu dệt và hư cấu.

Duy Phan – 16/10/2020

Bài viết có tham khảo:
Công tử Bạc Liêu đốt tiền làm đuốc tìm tiền – chuyện thật mà như giai thoại
Công tử Bạc Liêu chơi ngông đốt tiền để nấu chín trứng
Trần Trinh Huy
Giai Thoại Về Các Tỷ Phú Sài Gòn Xưa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *