Di tích khảo cổ độc nhất Sài Gòn hoang phế, giống bãi rác

Những di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh thành xuống cấp nghiêm trọng, di tích đã trở thành phế tích hoặc có nguy cơ “biến mất” do hư hỏng nặng mà không có kinh phí sửa chữa, trùng tu.

Thực trạng này phản ánh tư duy và khả năng thực hiện chức trách của bộ máy quản lý di sản văn hóa ở các địa phương đã và đang không đáp ứng, không phù hợp với công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bắt đầu từ việc số lượng di tích được xếp hạng tăng rất nhanh, nên nhân lực quản lý, kinh phí bảo tồn và trùng tu đều thiếu hụt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó là ý thức của cộng đồng nói chung, đặc biệt trong trường hợp liên quan đến tranh chấp đất đai, nên việc phá hủy di tích trở nên phổ biến.

Mặt khác, việc khai thác di tích chưa đúng cách, không phù hợp cũng làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích, như quảng cáo và giới thiệu sai lệch nội dung, việc “hạ giải trùng tu” mà thực chất là phá hủy di tích cổ xưa để xây dựng công trình mới ngày càng nhiều, không chỉ đối với di tích ở làng quê xây dựng bằng vật liệu không bền vững như gỗ, mà còn xuất hiện ở những di tích xây dựng bằng vật liệu bền vững, và tuổi đời chỉ trên một thế kỷ ở các đô thị.

Trước cổng di tích quốc gia – Lò gốm cổ Hưng Lợi. Ảnh Trung Dũng 

Tình hình kéo dài như vậy làm cho các di tích dù cấp nào cũng dần dần trở nên giống nhau ở xu hướng ngày càng “hoành tráng”, thậm chí không còn nhận ra yếu tố truyền thống nữa. Di tích trở nên thật giả lẫn lộn về giá trị, về nội dung…

Ở một góc độ khác thì những di tích thực sự có giá trị lại đang không được bảo tồn trùng tu một cách xứng đáng. TP.HCM có Lò gốm Hưng Lợi (quận 8) là di tích khảo cổ học duy nhất trong nội thành TP HCM nhưng đang bị bỏ hoang, giống nơi chứa rác.

Cổng dẫn vào lò gốm cổ ở Sài Gòn. Ảnh: Duy Trần.

Cách trung tâm TP HCM gần 10 km, lò gốm cổ Hưng Lợi (phường 16, quận 8) là một trong hai di tích khảo cổ cấp quốc gia.

Nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo, lò gốm là bãi đất rộng khoảng 800 m2, cây cối um tùm được bao bọc bởi bức tường cao 2 m. Đằng sau chiếc cổng lớn nhưng không có cửa là ngổn ngang gạch, đất nung, mảnh sành… Những gò ụ vốn là nơi đặt lò nung ngày xưa hiện đổ nát, nằm cạnh gần chục ngôi mộ. Phần đất trống sát khu dân cư được người dân tận dụng phơi quần áo, trồng rau.

Qua các công trình khảo cổ, nghiên cứu, lò gốm được xác định có tuổi đời hơn 300 năm, lưu lại dấu tích lịch sử, văn hoá thuở Sài Gòn sơ khai. Sau 20 năm nhận bằng công nhận, di tích này đã trở nên hoang phế, không thể nhận ra một làng nghề phát triển rực rỡ kéo dài mấy trăm năm.

Bãi đất hoang với cây cối um tùm cùng mồ mả. Ảnh: Duy Trần.

Bà Thu (46 tuổi) sống gần đó kể, hơn 20 năm trước cơ quan chức năng phát hiện lò gốm, tổ chức khai quật. Họ làm mái che bằng tôn cho khu lò nung nhưng một thời gian sau xuống cấp, rồi bị trộm tháo dỡ vì không ai trông coi.

“Mấy năm trước khu đất là nơi tụ tập của người nghiện, các nhóm tổ chức đá gà ăn tiền. Công an làm riết mới đỡ được tệ nạn nhưng người dân vẫn mang rác vào đây bỏ. Giờ nó là bãi đất hoang”, bà Thu nói.

Ông Lê Minh Tâm – Phó chủ tịch UBND phường 16 (quận 8) – cho biết, khu di tích lò gốm Hưng Lợi được tiến hành khảo cổ giai đoạn 1997-1998. Hiện di tích này bị hư hỏng nặng, rơi vào cảnh hoang tàn, nhưng do không xin được kinh phí duy tu, sửa chữa nên địa phương cũng bất lực.


Di tích lò gốm Hưng Lợi

“Đến cái cổng sắt dẫn vào trong lò gốm di tích bị hư hỏng mình xin kinh phí để sửa chữa cũng không được. Phường tự hào có một di tích cấp quốc gia nhưng lại không ai biết, không có khách đến tham quan… nghĩ cũng chạnh lòng”, ông Tâm nói.

Chỉ vào tấm bằng công nhận di tích lò gốm Hưng Lợi treo ở hội trường UBND phường, ông Tâm cho hay: “Chúng tôi cũng muốn treo cái bằng tại nơi nó được công nhận nhưng mang xuống đó không biết treo ở đâu, không khéo trộm nó lại lấy mất”.

Theo UBND phường 16, khu di tích lò gốm Hưng Lợi đang dính tranh chấp chủ quyền với người đàn bà 61 tuổi ngụ gần đó. Quận 8 từng lập nhiều đoàn công tác để xác định, cắm mốc ranh giới nhưng bà này không đồng tình vì cho đây là khu đất gia đình có chủ quyền từ năm 1946-1947. Nếu muốn lập làm di tích, nhà nước phải có phương án bồi thường. Hiện, bà này vẫn tiếp tục khiếu kiện.


Lò gốm khi được khai quật năm 1998. Ảnh: Tư liệu.

Địa danh Lò Gốm được nhắc đến đầu tiên trong sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức khi có sự kiện đào kênh Ruột Ngựa năm 1772. Trong bản đồ thành Gia Định vẽ năm 1815 cũng ghi địa danh Xóm Lò Gốm ở khoảng làng Phú Lâm – Phú Định.

Một số tài liệu của Pháp cũng thể hiện làng gốm có hơn 30 lò tập trung ở làng Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai… Nơi đây có những sản phẩm nổi tiếng, cung cấp cho Sài Gòn và các tỉnh miền Tây.

Khu lò gốm có cấu trúc khá phức tạp, do có ba giai đoạn sản xuất gồm ba lò nối tiếp, chồng lên nhau. Lò Hưng Lợi cũng có ba nhóm sản phẩm chính từ lu, siêu, chậu bông đến các sản phẩm men xanh trắng và men nhiều màu như tô, đĩa, lư hương, ấm trà, thìa …

Khoảng đầu những năm 1940 những lò gốm, lò gạch ngói cuối cùng của xóm đã ngừng hoạt động do quá trình đô thị hoá mạnh kèm với những sự kiện chính trị. Các làng nghề bị đẩy ra vùng ven, hoặc phải chuyển địa bàn sản xuất ra các tỉnh lân cận, nhường chỗ cho những trung tâm thương mại, phố chợ.


Khai quật lò gốm Hưng Lợi, tháng 10-11/1997

Đợt khảo sát vào tháng 4/1997 tại lò gốm Hưng Lợi cho thấy di tích là một gò đất cao khoảng 5 m. Trên gò có hai cây keo già, me cùng nhiều cây cỏ hoang dại… Quanh gò là vùng đất trũng có nhiều ao nhỏ – dấu tích khai thác đất làm gốm. Phía Nam khu di tích bị sụp, phía Bắc đã bị người dân san phẳng làm khu nghĩa địa nhỏ.

Hiện lò gốm Hưng Lợi là di tích khảo cổ học duy nhất trong nội thành Sài Gòn được khai quật và công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia.

Duy Phan – 10/10/2020

Bài viết có tham khảo:
Khu di tích quốc gia 300 năm hoang phế ở Sài Gòn
Di tích khảo cổ độc nhất Sài Gòn hoang phế, giống bãi rác
Lò gốm Hưng Lợi – Di tích khảo cổ học cấp Quốc gia đã bị người dân san phẳng
‘Lò gốm Hưng Lợi là ví dụ cho sự vô trách nhiệm về quản lý di sản của địa phương’

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *