Đội trưởng đội phản ứng nhanh Bviện Chợ Rẫy: “Số trường hợp nặng tăng nhanh và các bệnh nhân còn trẻ quá”

Đó là những chia sẻ của bác sĩ Trần Thanh Linh, Đội trưởng đội phản ứng của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), khi tới Bắc Giang chi viện.

5 ngày trước, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) do bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh dẫn đầu đã tới Bắc Giang chia lửa. Từ khi nhập cuộc, bác sĩ Linh và đồng đội ngày đêm theo dõi, chữa trị, cấp cứu, hồi sức cho những bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bệnh viện Phổi Bắc Giang.

Ảnh internet

CĂNG THẲNG VÀ ÁP LỰC HƠN ĐỢT DỊCH Ở ĐÀ NẴNG.

Ông cho biết trước khi đến Bắc Giang, với kinh nghiệm trải qua từ những trận dịch khốc liệt trước đó cũng như nghiên cứu về chủng mới, bản thân đã tiên lượng các nguy cơ và số lượng bệnh nhân có thể chuyển biến xấu.

Tuy nhiên, mỗi đợt dịch lại có đặc thù khác nhau. Và ở Bắc Giang, vị chuyên gia nhận thấy những người bệnh bị tổn thương phổi rất nhanh, tốc độ nhanh hơn so với những đợt trước.

Từ hôm nhập cuộc, ông đã tiếp nhận 3 ca phải thở máy, lọc máu liên tục, 7 trường hợp thở oxy dòng cao. Đặc biệt, một bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang sang Bệnh viện Phổi ngay trong đêm. Ban đầu, ông tiên lượng ca bệnh xấu, phải can thiệp ECMO. Tuy nhiên, đội ngũ đã xử lý đặt nội khí quản, sau đó lọc máu và thấy đỡ, không cần ECMO.

“Thực sự, những ca bệnh của Bắc Giang khiến chúng tôi chịu căng thẳng và áp lực hơn vì số trường hợp nặng tăng nhanh và các bệnh nhân còn trẻ quá. Bắc Giang không có nhiều ca lớn tuổi mắc bệnh nền như đợt dịch Đà Nẵng. Nhưng virus đã biến chủng nên bệnh nhân nặng vẫn có. Đặc biệt, số lượng người mắc vẫn tăng thì ca bệnh nặng cũng sẽ tăng theo”, vị chuyên gia chia sẻ.

Ảnh internet

Nhớ lại đợt dịch ở Đà Nẵng, ông đánh giá các ca nặng đều cao tuổi, bệnh nền, hầu hết không có trường hợp trẻ tuổi. Trẻ nhất là hơn 40 tuổi.

“Đợt đó, bệnh nhân trẻ gần như là không có triệu chứng, không có hình ảnh tổn thương phổi hoặc phải chụp CT mới thấy rõ tổn thương. Còn lần này, chỉ mấy ngày sau chụp X-quang là thấy phổi trắng xóa. Ca tử vong ở Bắc Giang bệnh nhân trẻ quá, con mới 6 tuổi”, bác sĩ Linh kể và không giấu nổi sự xót xa.

TÚC TRỰC LIÊN TỤC, QUYẾT KHÔNG ĐỂ BỆNH NHÂN TỬ VONG

Theo đội trưởng đội phản ứng của Bệnh viện Chợ Rẫy, công tác hồi sức tích cực lần này khó hơn vì ranh giới bệnh nhân nặng chuyển thành nguy kịch rất nhanh. Nếu không theo sát, không chủ động thì tử vong dễ xảy ra.

“Đội ngũ y tế phải theo dõi nhiều, cực hơn hồi ở Đà Nẵng. Nhưng chính vì những điều này mà chúng tôi quyết tâm phải cứu bằng được các bệnh nhân, bệnh nhân trẻ nên thầy thuốc phải cố gắng cứu được. Phải kiên quyết không để tử vong!”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Ông cũng cho biết chính vì những áp lực điều trị nên đã phân công, bố trí rất cụ thể, để lúc nào tại khu hồi sức tích cực cũng có các y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy túc trực.

“Ban ngày chúng tôi tập trung lực lượng theo dõi chăm sóc các bệnh nhân nặng rất sát và giải quyết ổn thoả. Còn ca tối chỉ bố trí một bác sĩ, một điều dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Họ ở lại trực và xử lý các tình huống. Lúc nào cũng có người của Bệnh viện Chợ Rẫy trực thì tôi mới yên tâm được”, ông Linh nói thêm.

Ảnh internet

Về việc tiếp nhận, phân luồng bệnh nhân, Bệnh viện Phổi Bắc Giang nhận tất cả ca phải thở oxy ở các cơ sở y tế dã chiến. Bởi những nơi này không có đủ điều kiện cơ sở vật chất để điều trị. Nếu bệnh nhân chuyển nặng hơn, đội ngũ y bác sĩ tại đó khó xử lý nên Bệnh viện Phổi Bắc Giang luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận.

“Như trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, phải là ca bệnh thở máy không xâm nhập thì Bệnh viện Phổi Bắc Giang mới nhận. Tôi muốn phân bố hợp lý, để dành chỗ cho bệnh nhân nặng hơn”, bác sĩ Trần Thanh Linh nói về nguyên tắc phân luồng, tiếp nhận và điều trị.

Đến nay, theo bác sĩ Linh, ông và đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy đã quen với công việc và đang kiểm soát được tình hình điều trị những ca nặng ở Bắc Giang. Ông hy vọng góp phần cùng Bắc Giang dập dịch nhanh chóng, hạn chế trường hợp tử vong đáng tiếc.

Trước những diễn biến phức tạp và số ca bệnh tăng lên từng giờ ở ổ dịch các khu công nghiệp, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn ngày 31/5, điều động nhân lực tham gia điều trị người bệnh Covid-19 nặng tại Bắc Giang. Số thầy thuốc được điều động lên tới 146 bác sĩ hồi sức cấp cứu, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, tại 14 bệnh viện, cơ sở y tế.

BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, được mệnh danh là “bác sĩ 91” bởi ông là người trực tiếp điều trị cho BN91. Nam phi công người Anh đã khỏi bệnh và về nước.

Trong cuộc chiến với tâm dịch Đà Nẵng, BS Linh được giao nhiệm vụ thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân Covid-19 nặng.

Ông và ê-kíp thầy thuốc của đội phản ứng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã nhiều lần tới chi viện cho các tỉnh, thành khi dịch căng thẳng. Vị bác sĩ này luôn tin rằng sự nỗ lực, cố gắng, xả thân hết mình của các thầy thuốc, chắc chắn họ sẽ chế ngự được Covid-19 và giành chiến thắng.

Theo: Zing/ Tuổi Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *