Ký ức vọng nghe tiếng pháo giao thừa Tết Sài Gòn xưa

Tiếng pháo để đánh dấu cái khoảnh khắc đặc biệt của trời đất lúc giao mùa, mà cũng là của lòng người khi chùng xuống trong cuộc đua tranh cùng thế sự.

 

 

Trung Quốc là xứ phát minh chế tạo ra thuốc nổ nên đương nhiên trò đốt pháo bắt nguồn từ đó, tức là phải qua vài nghìn năm rồi. Cứ theo tương truyền thì tục đốt pháo của người Nam ta là học theo cách sinh hoạt tế lễ từ người Tàu. Sách cổ Tàu ghi rằng vào ngày tết thiên hạ đốt pháo để xua đuổi con ma núi. Nó (ma) mà phạm vào người sẽ sinh ra đau ốm, nên đốt pháo làm nó sợ, đuổi nó đi. Cứ giao thừa và mấy ngày tết đốt pháo đuổi nó thì suốt cả năm nó sẽ không dám bén mảng nữa. Ma đâu chả biết, chỉ biết ngày tết, có tiếng pháo cảm thấy rộn rã, vui vẻ biết bao nhiêu. Những ai từng sống qua cái thời trước và sau lệnh cấm đốt pháo năm 1995 thì rõ điều này nhất.

Nói gì thì nói, đốt pháo là một thứ mỹ tục chứ không phải hủ tục. Nếu không đẹp (mỹ), sao nó có thể duy trì trong đời sống xã hội và dân chúng cả nghìn năm như vậy. Khi dẹp bỏ nó, coi là tục xấu (hủ), có nhẽ người ta chỉ xét tới khía cạnh nó có thể gây thương tích cho con người chứ không xét tới rất nhiều cái đẹp cái hay mà nó mang lại cho đời, nhất là ngày tết và những dịp lễ hội.

Xứ ta có những làng nghề làm pháo nổi tiếng từ thời xưa, có thể kể ra Bình Đà (Hà Tây cũ), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Nam Ô (Đà Nẵng)… Người dân làng nghề sống bằng… pháo, làm pháo phục vụ một mùa tết có thể sống cả năm. Làng Đồng Kỵ mỗi đầu xuân còn tổ chức lễ rước pháo thật hoành tráng, quả pháo to cả chục người khiêng, lừng lững trước mắt bàn dân thiên hạ như một thứ văn hóa kiêu hãnh, niềm tự hào của dân làng.

Pháo và Tết luôn đi với nhau trong cả tâm thức và hiện thực đời sống. Xưa, chả ai không thuộc câu đối “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tôi còn nhớ, thời đi học có bài thơ trong sách giáo khoa, tả một chiến sĩ cách mạng xa nhà khi dịp tết nhớ và mơ về quê hương “Mơ tết mơ xuân mơ tiếng pháo/Nhớ nhà nhớ cửa nhớ cành đa”, chỉ vậy thôi mà thật cảm động. Hay một người khác, “Đêm nay pháo nổ giao thừa/Mà người chiến sĩ không nhà còn đi”. Tiếng pháo để đánh dấu cái khoảnh khắc đặc biệt của trời đất lúc giao mùa, mà cũng là của lòng người khi chùng xuống trong cuộc đua tranh cùng thế sự.

Ở miền Bắc những năm chiến tranh và bao cấp, nhất là từ thập niên 1950 tới 1980, người dân chịu đựng đủ mọi sự thiếu thốn. Đất nước còn nghèo, vừa qua chiến tranh, lại tiếp chiến tranh nữa, vì vậy ai cũng ráng chấp nhận. Thế nên cái tết nghèo cũng cố lấy làm vui. Trong bìa (một dạng sổ) mua hàng tết, nhà nước phân phối mỗi năm một lần vào dịp đặc biệt này, ngoài những món vật chất gồm chai mắm Cát Hải loại 1, hộp mứt nửa ký, gói hạt tiêu, miếng bì bóng, vài bao thuốc lá Tam Đảo hoặc Tam Thanh, gói chè Thanh Hương nước xanh cánh nhỏ hương thơm vị đượm, chai rượu mùi…, còn có cả món tinh thần là phong (bánh) pháo. Một phong pháo hiệu Bình Đà hoặc Chiến Thắng, bọc giấy đỏ, to bằng bàn tay, chứa khoảng năm chục viên pháo nhỏ cỡ đầu đũa. Người nhớn có thể không quan tâm tới món chơi bời này nhưng với đứa trẻ nông thôn thì đó mới chính là tết. Không có pháo, tết mất hẳn bao điều thú vị và háo hức.

Có pháo rồi, điều quan trọng là sẽ đốt thế nào. Nổ vào lúc đón giao thừa hay đợi sáng mùng 1, chỉ nghĩ bấy nhiêu thôi cũng đủ vỡ cả đầu. Cả hai thời điểm đó đều quan trọng như nhau, nếu chờ tới sáng mùng 1 thì suốt đêm trằn trọc. Gần giao thừa, nhiều nhà đã nôn nóng đì đùng, nhà mình vẫn im ắng kể cũng sao sao ấy. Nhưng sáng mùng 1 được thay mặt cả nhà trịnh trọng cầm bánh pháo ra treo ngoài cổng, đóng vai chiến sĩ châm pháo, vừa sợ vừa sướng không thể tả. Tôi vốn nhát, cầm nén hương rõ dài, tay run run dí đầu hương cháy đỏ vào búi ngòi pháo, nhiều lần lập cà lập cập mãi nó mới bắt mồi, khi thấy xì xì tóe khói ra là ba chân bốn cẳng vọt cho nhanh và đứng… bịt tai nghe pháo nổ. Bánh pháo đì đùng đì đùng vui vẻ trong sớm xuân, tỏa khói khét lẹt, tung ra xung quanh đám xác pháo hồng. Nhiều đứa trong xóm đã đứng đợi sẵn chờ tiếng nổ dứt là xông vào hôi pháo xịt. Anh tôi dặn cứ để xác pháo đó, đừng quét, cho mùa xuân thật đẹp, nhà luôn có không khí tết. Cái màu hồng ấy, với màu hoa đào ửng lên trong nắng xuân là thứ kỷ niệm đẹp khó phai mờ của thời thơ ấu.

Tuy nhiên, việc đốt pháo cũng để lại nhiều hệ lụy.

Năm 1994, tháng 8, mùa thu, ông Võ Văn Kiệt khi ấy là Thủ tướng đã thay mặt chính phủ ký ban hành chỉ thị về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo trên cả nước. Chỉ thị nêu rõ “Kể từ ngày 1.1.1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa”. Với lệnh cấm này, phong tục đốt pháo từng tồn tại cả nghìn năm chấm dứt. Tết Nguyên đán năm Ất Hợi 1995 vắng bặt tiếng pháo, là tết đầu tiên không đốt pháo sau nghìn năm pháo nổ tưng bừng.

Cho tới nay, dù lệnh cấm pháo vẫn còn hiệu lực nhưng hằng năm người Đồng Kỵ vẫn chế quả pháo khổng lồ và rước tế, chỉ có điều không đốt, không hóa “ngài” như trước nữa. So với lễ hội chém lợn, đâm trâu, giành giật cù đến mức vỡ đầu gãy tay… còn được thực hiện ở nơi này nơi kia thì rõ ràng lễ rước pháo vẫn có nét văn hóa và nhân văn hơn nhiều.

Thời chưa có lệnh cấm đốt pháo, tức là trước năm 1995, sự đốt pháo đem lại niềm vui, tạo những sinh sắc trong đời sống, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái. Lệnh cấm có nhẽ xuất phát từ nhiều lý do, tất nhiên đều hợp lý, đủ sức thuyết phục. Nếu không thuyết phục, làm sao có thể nhất hô bá ứng, cùng lúc cả mấy chục triệu người thi hành răm rắp. Đang quen thói đì đùng râm ran suốt năm này qua năm khác, đã thành lệ, thế mà tự dưng bỏ cái rụp. Thiên hạ còn đùa bảo nhau, chưa có năm nào mà cái tết lại yên bình lặng lẽ như Tết Ất Hợi 1995. Yên bình tới mức… không bình thường.

Tôi còn nhớ những năm đầu tiên sau lệnh cấm pháo, báo chí và dư luận phân tích kỹ lắm. Đương nhiên báo chí ủng hộ chủ trương của chính phủ, chỉ ra cụ thể nếu không đốt pháo toàn xã hội mỗi năm tiết kiệm được bao nhiêu tiền của, môi trường được lợi như thế nào, giảm bớt không khí ô nhiễm độc hại ra sao, chấm dứt được bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ, rồi cả cái lợi về an ninh trật tự khi không còn phải lo lắng đề phòng tiếng nổ dạng này dạng nọ, v.v.. Có người còn tỏ vẻ hiểu biết, khai dân trí, rằng “các cụ” (ý nói nhà nước, chính phủ) cũng nghĩ chán ra rồi, họ có bao nhiêu kinh nghiệm xương máu về tiếng nổ thời chiến tranh rồi, nên giờ tốt nhất là cứ yên tĩnh, yên bình, đừng nổ niếc gì cho mệt. Vả lại bên Tàu (Trung Quốc), anh em với ta, phong tục như ta, thế mà họ cũng cấm, ta cấm như vậy là khí chậm. Và cơ bản nhất, nhà nước đã cấm thì dân chúng phải tuân theo. Chỉ có điều, Tàu cấm được mươi năm bỗng tự dưng tháo khoán, lại cho đốt. Dĩ nhiên, cấm có lý, bỏ cũng có lý. Nhưng chuyện của Tàu kệ Tàu, xứ ta lệnh còn hiệu lực, chưa bỏ thì cứ phải tiếp tục thi hành cho triệt để, nghiêm túc.

 

Luật đi một nhẽ, tuy nhiên vẫn có tâm tư. Nhiều người bảo, ừ thì không đốt pháo sẽ giảm ô nhiễm môi trường, nhưng một năm 365 ngày, đốt pháo 3 ngày tết, chủ yếu vào đêm giao thừa và sáng mùng 1, tăng độ ô nhiễm được bao nhiêu. Bầu không khí đang đặc quánh khói độc, bụi mịn mỗi ngày kia đâu phải tại pháo. Tai nạn do pháo nổ cũng vậy, so với nhiều dạng tai nạn khác, chỉ như số lẻ. Nếu nhà nước quản lý, kiểm soát tốt, cái gọi là tai nạn pháo chắc chắn sẽ giảm đáng kể. Còn bảo đốt pháo là hoang phí, không thực hiện chủ trương tiết kiệm, kể cũng khó nói bởi trong cuộc thế sự này, dù đúng là tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, vẫn cần phải nói thêm rằng lãng phí do đốt pháo so với muôn vạn kiểu lãng phí lớn nhỏ diễn ra hằng ngày thì nó cũng chưa là gì cả.

Và nói đi cũng phải nói lại, sự đốt pháo có kiểm soát, có chừng mực, được quản lý chặt chẽ và hiệu quả trong ngày tết vui đón xuân, đón năm mới, trong những sự kiện hôn lễ, hỉ sự, khánh thành, mừng công… sẽ góp phần tạo ra niềm vui, hào hứng mà những thứ khác khó có thể mang lại. Chả thế mà ngày xưa, tiếng pháo rộn ràng khởi đầu lễ cưới, lúc đón nhà trai hoặc nhà gái luôn là thứ kỷ niệm hạnh phúc khó quên của cặp vợ chồng. Những đứa trẻ thời xưa, chả mấy đứa không in vào ký ức niềm vui đốt pháo đón giao thừa, mừng xuân về trước ngõ. Niểm vui ấy, giá trị tinh thần, tình cảm ấy khó mà đong đếm được. Nếu đốt pháo mừng tết mừng xuân mà xấu, chắc nhà thơ Tố Hữu chả viết: “Bác ơi! Tết đến giao thừa đó/Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/Ríu rít đàn em vui pháo nổ/Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân”.

Những năm bao cấp ở miền Bắc, các làng pháo truyền thống như Bình Đà, Đồng Kỵ vẫn sản xuất pháo nhưng sản phẩm quy về một mối thương nghiệp nhà nước. Ngoài pháo do dân sản xuất, nhà nước cũng làm pháo, nổi tiếng nhất là pháo Trúc Bạch. Phong pháo bán tiêu chuẩn tết cho các hộ dân thường là pháo Trúc Bạch. Nổ đanh, giòn, ít bị thối, chỉ kém mùi thơm so với pháo Bình Đà. Ở miền Nam sau 1975 thì có pháo Điện Quang, cũng do nhà nước làm. Mấy hộ khá giả thường mua thêm pháo chui ngoài chợ hoặc ở cửa hàng tạp hóa bán lẻ để đủ pháo đốt 3 ngày tết. Vả lại con gà hơn nhau tiếng gáy, thấy dây pháo nhà người ta dài, quả pháo to hơn, thì nhà mình cũng ráng đua tranh. Gần hai chục năm tôi ở khu tập thể luôn chứng kiến mấy hộ “cuồng pháo” đua nhau, khiến việc đốt pháo đang từ niềm vui biến thành sự bực bội, khó chịu.

Trẻ con nông thôn khi xưa chả có mấy thứ để chơi bời giải trí như bây giờ. Tinh dững tự cung tự cấp. Chọi gà bằng cỏ gà, lấy ống tre làm súng đọp, súng phun nước, tiện tre từng khúc nhỏ ráp lại thành con rối cầm kiếm rồi xỏ dây vào điều khiển cho chúng đánh nhau, đúc đồng xu cái bằng thiếc vỏ hộp kem đánh răng để chơi đánh đáo. Còn pháo, chả ai bán phân phối cho trẻ con, vả lại làm gì có tiền mua pháo tép, pháo đùng bán chui của tư thương. Mày mò chỉ cho nhau nên đứa nào cũng biết cuộn pháo. Nguyên liệu chính là diêm Hòa Bình. Diêm thời ấy rất hiếm, hợp tác xã mua bán chỉ bán cho vài bao mỗi tháng, nhà nào cũng dùng dè sẻn. Thế nên mới phổ biến chuyện đi xin lửa. Tới gần giờ nấu ăn hoặc gần tối, cha mẹ lại sai con cầm chiếc đèn dầu sang nhà hàng xóm xin tí lửa. Tụi trẻ thường ma mãnh bớt xén tiêu chuẩn diêm của cả nhà và chăm đi xin lửa để có diêm làm pháo. Trò chơi bật tường hoặc đánh đáo ăn diêm cũng sinh ra từ nhu cầu này. Đầu que diêm được cạo ra, tán mịn, sau đó gói lại bằng miếng vỏ diêm. Gói càng chặt, nổ càng to. Nhưng muốn cho nổ thì phải đập. Đặt “pháo” lên hòn đá phẳng, lấy chiếc búa hoặc một hòn đá khác giáng thật lực xuống, nổ cái đoành, cả bọn xúm lại cười thích chí. Niềm vui trẻ thơ chỉ đơn giản vậy.

Lại nhớ, có đứa làm “pháo” không cần đập mà bắn. Nó khéo tay đẽo khẩu súng lục, lấy dây thép làm quy lát, căng dây chun nối với cò, dùng chiếc van xe đạp hỏng làm nòng pháo. Nhồi diêm vào van, bóp cò, dây chun kéo bập quy lát chui lọt van, nổ đoàng. Chơi thế mới đẳng cấp.

Lần ấy lớp 7 tôi học diễn trích đoạn vở Nổi gió của Đào Hồng Cẩm trong sách giáo khoa. Lớp tôi có hai thằng Hùng đều dân sơ tán, giỏi văn nghệ. Thằng Trần Hùng đẹp trai có cái răng khểnh đóng trung úy Phương, thằng Dương Thế Hùng vai lính Sáu, cái Nguyễn Thị Ngọc Châm vai chị Vân. Thằng Thế Hùng đợi khi trung úy Phương lột cái lon ném trả đại úy Đuyn Lơ thì lập tức rút súng diêm ra bắn. Nó đã cẩn thận bắn thử mấy lần trước khi diễn, lần nào cũng nổ ngon, vậy khi trên sân khấu chỉ kêu đánh tẹt, xì khói um. Cả trung úy Phương, chị Vân và cố vấn Mỹ đều trố mắt chưa biết xử trí ra sao thì may mắn có đứa nào hậu trường dúi cho lính Sáu một khẩu xơ cua đã “lên đạn” sẵn. Dương Thế Hùng ta liền chĩa súng vào ngực Đuyn Lơ bóp cò phát nữa, đoàng, thằng Mỹ ngã lăn ra, cả hội diễn vỗ tay vang dội. Năm đó tiết mục Nổi gió của 7A đoạt giải nhất, nhờ cái súng diêm. Năm 1969, Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc, bọn sơ tán lại rút về phố, từ bấy giờ chả còn dịp gặp nhau nữa. Thằng “trung úy Phương” nghỉ học đi làm thợ, lính Sáu theo nghề báo, cái Châm-chị Vân tốt nghiệp phổ thông được đi học bên Liên Xô rồi về làm ở Bộ Giáo dục, bị bệnh mất sớm. Thoắt đã mấy chục năm trời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *