Tiêm đủ 2 mũi vaccine, liệu cơ thể đã được bảo vệ 100% khỏi Covid-19 mãi mãi về sau?

Vaccine hiện vẫn được coi là “lá chắn” hữu hiệu nhất trước Covid-19 nhưng liệu chúng ta có thể tránh được dịch bệnh 100% khi tiêm đủ 2 liều như khuyến cáo?

Hầu hết với các loại vaccine ngừa Covid-19 trên thị trường hiện nay như Moderna, Pfizer hay AstraZeneca…đều được khuyến cáo tiêm đủ 2 liều để đạt được hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên vẫn có không ít người thắc mắc rằng liệu khả năng bảo vệ của vaccine sẽ tồn tại trong bao lâu và có cần tiêm nhắc lại hay không.

Theo Báo Giao Thông, việc tiêm vaccine sẽ giúp hạn chế đáng kể khả năng nhiễm Covid-19. Song trên thực tế, chưa có loại vaccine nào có hiệu quả 100%.


Vaccine hiện vẫn được xem là phương pháp hữu hiệu nhất phòng chống Covid-19. (Ảnh: RFI)

Lấy ví dụ với vaccine AstraZeneca, nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu lực bảo vệ của vaccine này là từ 75-85% trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng thông thường và lên tới 100% trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh nặng hoặc nguy kịch cần nhập viện.

Điều này có nghĩa là rất ít người đã tiêm đủ liều vaccine bị nhiễm Covid-19. Ngay cả khi ở trong trường hợp không may thì bệnh cũng chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình, nguy cơ trở nặng hay không qua khỏi sẽ gần như bị loại trừ.

Đồng thời, người đã tiêm chủng đủ liều vaccine thì ít nhiều bên trong cơ thể cũng sản sinh ra kháng thể. Khi đó họ sẽ ít có khả năng lây nhiễm cho người khác hơn.


Nhân viên y tế giới thiệu về vaccine trước khi tiến hành tiêm. (Ảnh: Bộ Y Tế)

Mặt khác theo Sức khỏe và Đời sống, hệ thống phòng thủ của cơ thể cần có thời gian để học cách phát hiện và chống lại virus gây ra Covid-19. Có nghĩa là người tiêm sẽ chỉ nhận được sự bảo vệ tối đa từ vaccine ngừa Covid-19 khoảng 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2.

Chưa kể hiện tại và không loại trừ trong tương lai còn xuất hiện thêm các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 có khả năng kháng vaccine. Do đó các chuyên gia luôn khuyến cáo kể cả khi đã được tiêm phòng đầy đủ, vẫn cần phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thực hiện các biện pháp bảo vệ khác.

Bên cạnh đó, nếu phát hiện bản thân sau khi tiêm vaccine mà tiếp xúc với F0 hay cơ thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, ho khan, khó thở…vẫn phải liên hệ ngay với cơ sở y tế và thực hiện cách ly.


Ngay cả khi tiêm đủ liều vaccine vẫn cần có thời gian để thuốc phát huy tác dụng. (Ảnh: Báo Chính Phủ)

Theo Tuổi Trẻ, một số quốc gia như Đức, Pháp hay Mỹ đã tuyên bố sẽ tiêm liều vaccine bổ sung (mũi thứ 3) cho một số đối tượng để bảo vệ sức khỏe trước làn sóng lây nhiễm bệnh do biến thể Delta gây ra.

Cụ thể, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Pháp sẽ triển khai tiêm mũi thứ 3 cho người lớn tuổi, người dễ mắc bệnh từ tháng 9/2021. Đức cũng sẽ tiêm mũi nhắc lại cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, người già và người sống trong các viện dưỡng lão vào khoảng thời gian tương tự.


Lô vaccine ngừa Covid-19 được chuyển về Việt Nam. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tương tự ở Mỹ, Bác sĩ Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu tại đây đã khuyến cáo chính quyền xem xét tiêm mũi vaccine bổ sung có thể từ đầu tháng 9/2021 hoặc sớm hơn.

Song hiện nay vẫn chưa có nhận định chính thức nào về việc có cần tiêm mũi nhắc vaccine ngoài liệu trình 2 mũi cơ bản hay không. Thời gian bảo vệ kéo dài của vaccine cũng vẫn đang được các chuyên gia trên thế giới nghiên cứu.

Nói tóm lại, hiệu quả về lâu dài của vaccine ngừa Covid-19 sẽ cần phải được theo dõi tiếp. Mặc dù vậy, lời khuyên được đưa ra là hãy tiêm vaccine ngay khi đến lượt vì dù ít hay nhiều nó cũng giúp bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh.

Nguồn: https://www.yan.vn/vaccine-covid-giam-dang-ke-kha-nang-nhiem-benh-nhung-da-du-an-toan-273422.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *