Tiêm Vaccine Covid-19: Sau bao lâu mới sinh kháng thể, vì sao phải tiêm đủ 2 liều?

Sau khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ cần ít nhất 10 ngày để có thể tạo ra kháng thể chống virus nCoV. Vì vậy mỗi người đều nên tiêm đủ 2 liều.

Hiện nay, nước ta đang tăng cường triển khai công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19. Việc tiêm chủng sớm sẽ giúp mọi người không bị chuyển biến bệnh nặng, làm giảm khả năng xuất hiện những triệu chứng Covid-19 hoặc nguy cơ lây nhiễm virus ra cộng đồng.

Sau khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống virus SARS-CoV-2. Để mọi người hiểu rõ hơn, TS.DS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ) và Dược sĩ Trần Thị Quốc Tuyến (Hành nghề tại Hungary) đã đưa ra những giải đáp cụ thể.

Nhân viên y tế tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho mọi người. (Ảnh: Bộ Y tế)

Theo Zing News, hai dược sĩ trên cho rằng, tuy vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) và vaccine vector virus (AstraZeneca) khác biệt nhau, nhưng chúng đều có 1 điểm chung, đó là cần ít nhất 10 ngày để tạo ra kháng thể chống virus.

Trong khoảng thời gian này, hệ thống miễn dịch sẽ bắt đầu tạo ra kháng thể nhận diện protein gai – một dạng cấu trúc trên bề mặt SARS-CoV-2 để xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể con người.

Đây cũng chính là lý do mà mỗi người phải tiêm 2 liều vaccine Covid-19 khác nhau. Liều 1 sẽ đảm nhiệm vai trò tạo đáp ứng miễn dịch. Tức là trong vòng 2-3 tuần sau tiêm, cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm của người được tiêm vẫn rất cao.

Vì vậy, cần phải tiêm liều 2 để đảm bảo khả năng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài hơn. Tất nhiên điều này không có nghĩa người được tiêm đủ 2 mũi vaccine thì sẽ hoàn toàn không nhiễm bệnh, nhưng nó sẽ làm giảm xác suất đi.

Hãy tiêm đủ vaccine để bảo vệ sức khoẻ bản thân một cách toàn diện nhất. (Ảnh: Lao Động)

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã đưa ra những giải đáp, hướng dẫn kĩ càng xoay quanh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Theo Lao Động, Bộ có nêu rõ, nếu những người nào tiêm liều 2 muộn hơn thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất thì cũng không cần phải tiêm lại từ đầu.

Cụ thể, theo PGS-TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, dù cho mũi 2 của AstraZeneca được tiêm chậm hơn 12 tuần (theo khuyến cáo mũi 1 cách mũi 2 từ 8-12 tuần) cũng sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine.

Hiện tại, các chuyên gia y tế thế giới vẫn chưa xác định được thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu.

Dù vậy, nếu có điều kiện, mọi người vẫn nên tiêm theo đúng khuyến cáo. PGS-TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh: “Trong trường hợp bị tiêm chậm mũi 2, các cá nhân, đơn vị cần khẩn trương liên hệ, làm công văn đề nghị tiêm mũi 2 gửi đến các đơn vị đã thực hiện tiêm mũi 1 trước đó để nhanh chóng thực hiện tiêm mũi 2. Đơn vị tiêm chủng cần cố gắng sắp xếp thời gian tiêm sớm nhất cho những trường hợp này”.

Nhiều người ngồi chờ đến lượt tiêm vaccine. (Ảnh: TTXVN)

Việc tiêm vaccine là rất cần thiết, vì vậy hãy thực hiện càng sớm càng tốt. Đồng thời, mọi người cũng phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh mà Bộ Y tế đề ra như duy trì thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế…

Theo Thể Thao & Văn Hóa
Nguồn https://www.yan.vn/sau-khi-tiem-vaccine-can-it-nhat-10-ngay-de-tao-khang-the-273184.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *