U40 ngại đi họp lớp vì tiền lương, ‘địa vị’ thua bạn bè: Cùng xuất phát điểm mà nay đã khác

Họp lớp có cần thiết không? Đó là câu hỏi mà rất nhiều phụ nữ ở tuổi trung niên cảm thấy thật khó khăn khi phải đưa ra câu trả lời.

Bởi với họ, việc gặp lại bạn bè xưa, xem cuộc sống mọi người thay đổi như thế nào cũng rất thú vị. Nhưng nhìn lại mình, lương vẫn đang ba cọc ba đồng, chật vật với từng bữa ăn, trong khi bạn cùng lớp đã làm ông này bà nọ, lại cảm thấy tủi thân.

Ví như dạo gần đây, có tâm sự của một chị gái U40, lên mạng xã hội xin tư vấn. Nội dung chị chia sẻ như sau :“Tôi rất sợ đi họp lớp, thấy ngán ngẩm vì cảnh bạn bè khoe giàu có, những kẻ cậy có chút tiền bạc đi họp lớp cứ mải mê khoe mẽ, rồi mỉa mai nói xóc bạn bè cũ. Tôi chạnh lòng khi gặp lại bạn bè, các bạn thành đạt giàu có còn mình thì cứ dậm chân tại chỗ, lương không quá 7 triệu/tháng, nhà cấp 4, điện thoại cục gạch, ăn mặc quê mùa. Vậy tôi có nên tham gia nữa không, hay âm thầm rút khỏi cho nhẹ lòng?”

Hình minh họa (Ảnh: Chinanwnews)

Tương tự, một thanh niên đã để lại bình luận: “Em còn trẻ, chỉ mới 25 nhưng cũng như chị. Không dám đi họp lớp cấp 3 vì ngại nói về tiền lương, thưởng. Mặc dù em tốt nghiệp trường có tiếng, ngành kế toán, làm việc đã được 7 năm, học lực cũng giỏi, nhưng cảm thấy bản thân không có đột phá gì quá lớn.

Em vừa chuyển việc có mức lương cao hơn, nhưng vẫn cảm thấy có rất nhiều đồng nghiệp thu nhập nhiều hơn mình, lại trẻ tuổi hơn mình. Có một chút cảm giác gì đó hơi thất bại. Không biết nên bắt đầu nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình từ đâu để có thể đạt được mục tiêu tự do tài chính.”

À hóa ra, cuộc sống xung quanh chúng ta, có rất nhiều người, không kể già hay trẻ luôn sợ đi họp lớp bởi họ sợ câu hỏi về tiền lương. Tiền lúc này, không chỉ là mức thu nhập, mà còn là cách để chúng ta khẳng định vị trí trong xã hội, là “giàu” hay “nghèo”, là “cao” hay “thấp”.

Theo quan điểm cá nhân của riêng em, trước hết bản thân đừng có tự ti mà làm gì. Mình có sao thì mình sống vậy, ai muốn chê thì chê, ai muốn khen thì khen. Họp lớp vốn là chuyện vui, nếu thấy hứng thú thì cứ đi, nếu bạn bè tử tế thì gặp gỡ, nói chuyện, đó cũng là cách giúp mình gia tăng mối quan hệ. Nếu cảm thấy không thích thì chẳng cần phải tới, vì chúng ta còn bao nhiêu chuyện phải lo.

Hình minh họa (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, nếu chị em không thấy hài lòng với vị trí xoàng xĩnh của bản thân, cảm thấy mình thua kém bạn bè nhiều quá, trong khi bối cảnh giáo dục như nhau, cha mẹ cũng bình thường như nhau, thậm chí thành tích học của mình từng rất nổi trội, nhưng sau cùng lại đứng “chót lớp” về thu nhập thì em nói thật các chị đừng tự ái, nên xem lại bản thân, và đi tìm nguyên nhân vì sau mình chưa giàu nổi.

1. Trì hoãn ước mơ, không biết nỗ lực

Đi làm, bạn bè trang lứa chọn môi trường khắc nghiệt, yêu cầu chuyên môn cao, hì hục làm ngày làm đêm để nâng cao năng lực thì bản thân mình vẫn đang nhâm nhi tách trà công sở, ngày làm 8 tiếng mà hết 4 tiếng buôn dưa lê, bán dưa chuột. Chuyên môn theo năm tháng, không những tăng mà còn giảm, lương và vị trí ở công ty, cứ mãi đứng yên một chỗ, nó cũng trì trệ như sự chây lười của bản thân.

2. Luôn để ý xem người khác nghĩ gì về mình

Nhiều chị em phải chật vật để hòa mình vào đám đông, ở công ty cũng vậy mà đi họp lớp cũng thế. Bởi họ sợ phải phơi bày con người thật của mình, sợ bị người khác đánh giá. Họ bắt đầu dồn tiền để mua quần áo lượt là, xe hơi bóng bẩy, ăn đồ cao lương – Trong khi những người khác khôn ngoan hơn, dùng tiền để đầu tư sinh lời.

3. Luôn nghĩ mình thông minh

Tự cao, tự mãn cũng là yếu tố khiến chúng ta nghèo nhanh lắm các chị ạ. Trong khi bạn cùng lớp ở trường đã đi làm thêm, làm bớt, lăn lộn với xã hội, chịu cay đắng để trưởng thành thì chúng ta vẫn còn sống dưới sự bảo bọc của mẹ cha, cắm cúi học ngày học đêm, lấy bằng giỏi và nghĩ mình xuất chúng. Nhưng đến lúc đi làm việc, kinh nghiệm thực tế bằng 0, va vấp nhiều quá lại sợ, xin thôi việc, thử hỏi đồng lương sao có thể tăng dần theo năm tháng?

Tuy nhiên, tiền lương không phải là thước đo duy nhất về sự giàu có, ngược lại, chính bản lĩnh, ý chí, và đặc biệt là kiến thức mới là thứ cần so cao thấp hơn bạn bè. Kẻ giàu cũng khóc theo kiểu người giàu, không ai là hoàn hảo. Vậy nên chị em lương thấp mà sống hạnh phúc, vui vẻ thì đừng sợ đi họp lớp. Còn nếu đời đã bế tắc, chuyện gì cũng không như ý, lại thêm “combo” đồng tiền eo hẹp thì nên cải tổ lại bản thân.

Sau cùng, một giáo sư tại Harvard đã cảnh báo các sinh viên của mình rằng, cho dù cuộc sống của bạn có như thế nào đi chăng nữa thì bạn cũng phải đi họp lớp 20 năm sau khi tốt nghiệp. Bởi vì bạn sẽ thấy sự khác biệt trong cuộc sống giữa những người luôn kiên định với ước mơ và làm theo đam mê của mình so với những người cả đời chỉ mơ mộng nhưng chẳng làm gì.

Webtretho

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *