“Đêm Đông” và những bước chân lang thang vô định nơi xứ người của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương

Những ai đã từng được thụ hưởng cái lạnh mùa đông của miền Bắc sẽ cảm nhận được cái lạnh buốt đến tê người, nói đùa chứ có khi 2 hoặc 3 ngày không tắm ấy. Mặc dù vậy nhưng người con người nơi ấy vẫn yêu cái lạnh của mùa đông. Mùa đông đến cũng đồng nghĩa sẽ kết thúc năm cũ chuẩn bị bước sang một năm mới đầy triển vọng. Những khổ đau, khó khăn xin qua đi.

Mùa đông có lẽ là mùa lãng mạng nhất trong năm nhỉ? được diện những chiếc áo ấm, những đôi giày ống và quàng thêm chiếc khăn len dạo bước xuống phố phường ngắm phong cảnh huyền ảo sau làn sương mỏng. Những cặp đôi đi bên nhau, trao cho nhau những vòng tay ấm áp, trông thật sự lãng mạn và hữu tình.

Bởi thế mùa đông sẽ không thích hợp với những kẻ cô đơn, đặc biệt là những kẻ cô đơn lại xa nhà. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cũng là một trong số đó. Vào năm 1939, trong thời gian này ông rời Huế ra Hà Nội theo học tại Trường Thăng Long. Vì không có tiền về quê ăn tết nên ông đã ở lại Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên ông phải ăn tết xa nhà nên tâm trạng rất buồn.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương lúc trẻ

Hà Nội vào thời điểm ấy rất lạnh, để chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt ấy ông đã mặc tất cả những quần áo mà mình có để giữ ấm cơ thể. Trong lòng sẵn đang mang tâm trạng ông rời phòng trọ lang thang về phía Ga Hàng Cỏ như một quán tính. Lại chợt nhớ ra rằng mình làm gì có vé tàu.

Ga Hàng Cỏ xưa

Khi tàu bắt đầu lăn bánh tiến về hướng Nam, ông cũng lững thững đi theo đoàn tàu. Âm thanh còi tàu mỗi lúc một dần xa làm lòng ông quay quắt nhớ nhà khôn xiết. Bước đi trong vô định ông dừng nơi thanh chắn tàu ở phố Khâm Thiên, ý nghĩ chợt lóe lên tìm những người có cùng cảnh ngộ với mình trong đêm nay. Phố Khâm Thiên ngày ấy có rất nhiều nhà hát ả đào. Ông muốn xem thử còn ai không đón giao thừa với gia đình như ông không.

Phố Khâm Thiên xưa

Trong đêm ấy, có 2 nhà vẫn còn sáng đèn đón khách. Ông dừng chân ở ngôi nhà thứ nhất nhưng không thấy ai ra mở cửa, đến nhà thứ 2 có 1 cô đi ra, nhưng khi nhìn thấy cậu thanh niên ăn mặc lôi thôi, kém sang trọng thì cô ấy quay trở vào không tiếp. Lại tiếp tục lang thang trên con phố lạnh giá cho đến khi nhìn thấy các bà, các cô mang hương, hoa, lễ ra trước nhà cúng trước nhà thì ông mới biết đã đến thời khắc giao thừa.

Ngõ Hội Vũ ngày nay

Bước chân lại quay trở về căn gác trọ cũ kĩ trên ngõ Hội Vũ. Lên giường nhưng mãi không tài nào chợp mắt được vì nỗi cô đơn nơi đất khách, trong khi người người sum họp bên gia đình yên ấm, hạnh phúc bởi những tiếng cười vui đón chào năm mới. Còn bản thân lẻ loi, bơ vơ, buồn tủi trong đêm giao thừa. Vì thế mà ca khúc “Đêm đông” đã được ra đời trong thời điểm ấy. Nhưng chỉ là bản nháp, cho đến sau này ông đã thuần thục với ngón đàn guitar thì ca khúc mới được trau chuốt hoàn chỉnh.

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời
Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn theo chiều mây
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu
Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…

Trên con đường từ phố Khâm Thiên về nơi trọ, ông đã đưa những hình ảnh thực tế mà mình đã nhìn thấy hoặc nghe thấy vào trong ca khúc của chính mình ví dụ như : hình ảnh cô đào hát, tiếng chuông. Bên cạnh đó cũng có những hình ảnh mà ông lấy từ bản thân : thi nhân, cô lữ.  Hoặc mượn từ những câu chuyện văn học đã từng đọc qua : chinh phụ.

Ngoài ra qua ca khúc còn phản ánh sự tàn khốc của chiến tranh lúc bấy giờ “Non nước thê thảm mang cảnh tang”, bởi chiến tranh đã gây ra biết bao lầm than, tang tóc cho người dân Việt.

Tất cả chỉ là yếu tố phụ để nhằm tôn lên ý chính trong ca khúc của ông, đó là sự cô đơn, trống trải và buồn tủi khi phải ăn tết nơi đất khách.

Nguyễn Hữu Thiết là người đầu tiên trình bày ca khúc này vào năm 1940, với giai điệu ban đầu mà Nguyễn Văn Thương viết là tango. Nhưng 20 năm sau ca sĩ Bạch Yến đã trình bày lại ca khúc với giai điệu slow rock. Thời điểm ấy giai điệu  slow rock chỉ mới du nhậ vào Việt Nam. Bạch Yến cảm thấy lời bài hát thật buồn có lẽ sẽ phù hợp hơn khi sử dụng giai điệu này. Nhờ có sự đột phá đó mà Bạch Yến đã làm sống dậy ca khúc “Đêm đông” cho đến bây giờ.

Phù Sa

23/04/2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *