Trường Ca Hòn Vọng Phu qua lời kể của Nhạc sĩ Lê Thương

Nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996) tên thật là Ngô Đình Hộ, ông được sinh ra tại Hàm Long (Hà Nội). Gia đình ông có 4 anh chị em, bố mẹ mất sớm được bà nội đem về nuôi. Bà nội ông là trùm họ đạo Thiên Chúa ở Hàm Long thời bấy giờ, nên vì thế ông được dưỡng dục trong nhà dòng. Ông có tài năng âm nhạc bẩm sinh cộng thêm sống trong nhà dòng nên được hấp thụ thêm kiến thức âm nhạc tại đó.

Gia đình bạn học ông sống tại Đồng Đăng và mỗi dịp nghỉ hè ông thường về nhà bạn chơi, nơi đây có tượng đá Tô Thị hay người ta thường gọi là Hòn Vọng Phu đã để lại cho ông 1 ấn tượng vô cùng đặc biệt, là chất xúc tác để ông làm nên trường ca Hòn Vọng Phu bất tử. Bút danh Lê Thương là do ông ghép họ của mẹ ông với tên con sông Thương ở Đồng Đăng.

Trong sự nghiệp sáng tác ông có tất cả 3 bài hát về Hòn Vọng Phu, bắt đầu sáng tác từ năm 1942 -1947. Đây được coi là bản trường ca đầu tiên trong làng âm nhạc Việt Nam.

Sau đây là những ghi nhận về quá trình sáng tạo tác phẩm âm nhạc để đời này:

 Hòn Vọng Phu 1- Đoàn Người Ra Đi (Dân Tộc xuất bản lần đầu vào năm 1949)

“Hòn vọng phu 1” ra đời năm 1943 tại Bến Tre, được sáng tác trên đường ông vào Nam, lúc ấy ông có đi ngang qua vùng đất Phú Yên, ở đây cũng có tượng đá Vọng Phu đứng sừng sững giữa núi non hùng vĩ.  Hình ảnh đó cộng thêm sự ảnh hưởng của bài thơ “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn đã ám ảnh tâm trí người nhạc sĩ đã viết nên “Hòn Vọng Phu 1“.
– Hòn Vọng Phu II – Ai Xuôi Vạn Lí (Hương Nam xuất bản vào tháng 10 năm 1946)

Khác với hòn Vọng Phu 1 thì hòn Vọng Phu 2 lại được ông viết trong trận truy đuổi của quân Pháp. Thời điểm đó là vào cuối năm 1946, ông đi kháng chiến tỉnh Mỹ Tho. Khi đó ông là trưởng đoàn ca nhạc, bỗng Tây đem tàu tấn công 3 cù lao Minh, Bảo, An Hóa nên đoàn chạy hết chỉ còn lại ông và 1 người bạn trốn vào vùng Dòng Sầm và được gia đình đạo Cao Đài cứu và giấu trong bìa lá. Bên bờ kênh tiếng dế kêu trong đêm, tiếng cá quẫy nước, bên bờ vực sự sống và cái chết ông lại nghĩ đến người chinh phụ trong giang san Đèo Cả. Lấy cây bút máy đã khô mực dùng nước trên rạch nhỏ vào vài giọt để vội vã sáng tác “Hòn vọng Phu 2”

Hòn Vọng Phu III – Người Chinh Phu về (Dân Tộc xuất bản lần đầu vào năm 1949)

Đến năm 1947 khi về lại Sài Gòn ông đã cố gắng hoàn tất phần 3 cho trường ca Hòn Vọng Phu, vì thế mà Hòn “Vọng Phu 3” được ra đời. Với mong muốn hướng đến mục tiêu cao cả thiêng liêng chống giặc ngoại xâm khác đi với sự tích Hòn Vọng Phu, để nêu cao tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam bao đời nay.

 

 

Hơn 70 năm sức sống của trường ca vẫn còn mãi, vượt qua mọi giới hạn về không gia và thời gian để tiếp tục lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Phù Sa

5/11/2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *