“Dạ cổ hoài lang” sự kết tinh giữa tri thức và tâm hồn mẫn cảm của nhạc sĩ Cao Văn Lầu về người vợ của mình

Bộ môn Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013. Trong đó “Dạ cổ hoài lang” đã có đóng góp rất lớn trong quá trình làm nên giá trị của “đờn ca tài tử”. Bài vọng cổ nổi tiếng này do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác thể hiện nỗi nhớ thương của người vợ bị bắt buộc xa chồng

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu thường được gọi với cái tên thân thiện là Sáu Lầu (1890-1976)  sinh ra tại Long An. Khi ông lên 6 tuổi gia đình lâm vào cảnh khó khăn, bị áp bức nên cha ông quyết định đưa vợ và 6 đứa con xuôi về xứ khác sinh sống. Gia đình ông làm việc cật lực từ Bạc Liêu đến Xà Phiên (Hậu Giang) khai khẩn đất hoang làm ruộng nhưng đều bị địa chủ chiếm hết.

Sau cả gia đình lại chuyển về Bạc Liêu xin ở nhờ trên đất của nhà chùa Vĩnh Phước An, ngày ngày đi làm thuê kiếm sống. Thương cho hoàn cảnh của gia đình Sư Minh Bảo (trụ trì chùa Vĩnh Phước An) mới đề nghị cho Sáu Lầu vào chùa ở bớt gánh nặng cho cha mẹ. Ngày đó ông mới 8 tuổi, hàng ngày kinh kệ và được sư dạy chữ Nho.

Năm 1903 ông được cha vào chùa xin về cho đi học chữ quốc ngữ nhưng chỉ đến lớp nhì (lớp 4 bây giờ) thì phải nghỉ vì gia đình lần nữa lại lâm vào khó khăn. Thương thân cha mẹ già yếu, các anh chị người đi ở rể, người thì lấy chồng nên ông phải cán đán mọi việc trong gia đình.

Thời ấy trong xóm có thầy dạy đàn nổi tiếng tên Lê Tài Khí còn gọi là Hai Khi – Nhạc Khi. Thầy bị mù nhưng chơi đàn rất hay nên ông nhờ cha mình qua xin được theo học, ngày đi làm đêm ông lại qua nhà thầy học nhạc. Nhờ tài năng thiên bẩm, sự yêu thích và siêng năng nên chỉ sau thời gian ngắn ông đã thành thạo các loại nhạc cụ : đàn tranh, cò, kìm, trống lễ và trở thành 1 thành viên trong ban nhạc của thầy Hai Khi. Năm 1912 ông bắt đầu đi hát

Năm ông 23 tuổi thì gia đình có mai mối với cô Trần Thị Tấn ở điền Tư Ô một cô gái nết na hiền dịu. Chung sống với nhau được 3 năm nhưng vợ chồng ông chưa có con. Cũng vì những suy nghĩ cổ hủ lạc hậu thời ấy mà cha mẹ ông bắt ông bỏ vợ lấy người khác kiếm con nối dõi tông đường. Nhưng vì quá yêu thương vợ, ông không đành lòng từ bỏ đành dẫn vợ gởi ở nhà người quen. Thương vợ phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc xa chồng, ông đã viết nên bài “Dạ cổ hoài lang”.

Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Đêm năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Cho gan vàng quặn đau í a

“Đường dù sa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Còn đêm luống trông tin nhạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trong tin chàng
Lòng xin chớ phũ phàng

Chàng hỡi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm đừng lạt phai í a

Thiếp nguyện cho chàng
Nguyện cho chàng đặng chữ bằng an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi í a

Cuối cùng trời cũng xót thương cho gia cảnh vợ chồng ông, không lâu sau đó vợ ông đã mang thai và 2 vợ chồng lại được quay về sống cùng nhau. Hai vợ chồng ông có với nhau được 7 mặt con (5 trai và 2 gái).

“Dạ cổ hoài lang” khởi điểm từ nhịp 2. Nhưng khi hòa nhập vào sân khấu cải lương, bản Dạ cổ hoài lang được chuyển dần thành nhiều nhịp. Năm 1924, tăng lên nhịp bốn. Từ khoảng 1934 đến 1944, tăng lên nhịp tám. Từ khoảng 1944 đến 1954, Vọng cổ tăng lên nhịp 16. Từ 1955 đến 1964, tăng lên nhịp 32 rồi nhịp 64 từ năm 1965 đến nay.

Ngay từ khi ra đời “Dạ cổ hoài lang” đã chinh phục được người nghe, đi vào đời sống của người dân Nam Bộ một cách rất tự nhiên, với vốn ca từ mang tính dân giã, nhiều người đã nhìn thấy được đâu đó giống như số phận của mình. Cũng chính vì thế mà họ thấy như mình được đồng cảm, được chia sẻ.

Qua nửa thập kỉ “Dạ cổ hoài lang” đã làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cũng từ bản nhạc này đã tạo cảm hứng sáng tác cho nhạc sĩ Viễn Châu trong “Tân cổ giao duyên”, Vũ Đức Sao Biển trong “Đêm gành hào nghe điệu hoài lang” và các vở Cải lương của miền Nam Bộ. Có thể nói “Dạ cổ hoài lang là niềm tự hào của người dân Nam Bộ và sẽ được sống mãi với thời gian.

Phù Sa

25/11/2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *