“Nhật Kí Đời Tôi” kể về mối tình đầu dang dở của nhạc sĩ Thanh Sơn

Thanh Sơn (1938 – 2012) Ông tên thật là Lê Văn Thiện sinh ra tại Sóc Trăng, là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em. Gia đình ông từng che giấu cán bộ Việt Minh nên bị ruồng bố gắt gao, ông phải rày đây mai đó. Ông học nhạc từ hồi tiểu học với thầy Võ Đức Phấn (em ruột nhạc sĩ Võ Đức Thu). Năm 1955, thầy Phấn mất, ông lên Sài Gòn làm thuê, ở mướn nhưng vẫn tiếp tục học nhạc với thầy Lê Thương và nuôi ước mơ trở thành ca sĩ.

Đến năm 1959, ông đăng ký tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn và đoạt giải nhất. Sau đó ông được mời đi hát trong ban nhạc Tiếng tơ đồng. Sau này ông bỏ hẳn ca hát và chuyên tâm sáng tác, nhạc của ông thiên về đề tài quê hương mang đậm chất Tây Nam Bộ.

Khi nhắc đến ông người ta luôn liên tưởng đến những bài hát về tuổi học trò, về hoa phượng, những trang lưu bút. Bài hát Nhật kí đời tôi là ca khúc ông sáng tác trước năm 1975. Với giai điệu giản dị, hình ảnh gợi cảm, ca từ chọn lọc nhưng rất đỗi giản di và lãng mạng.

Nội dung bài hát  kể về cuộc tình đã đi qua trong đời người nhạc sĩ. Lời hát như đưa hồn người nghe vào câu chuyện tình yêu của một thời quá khứ bằng giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng.

Ngược thời gian, trở về quá khứ phút giây chạnh lòng
Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không
Ai thương ai rồi và ai quên nhau rồi
Trong phút cuộc đời tương lai trả lời thôi

Nhớ về quá khứ nhạc sĩ đã có những “giây phút chạnh lòng”, “bao nhiêu kỉ niệm” “ân tình” giờ đã quay về “con số không”. Theo nguồn thông tin tôi được biết : thời học sinh ông có quen và đem lòng yêu cô gái tên Nguyễn Thị Hoa Phượng, nhưng vì hoàn cảnh cô Phượng phải theo gia đình lên Sài Gòn sinh sống nên hai người buộc phải chia ly trong nước mắt. Cuộc chia ly này đã để lại cho ông đầy luyến tiếc và cả những hoài niệm về thời học trò ngây ngô, về mối tình đầu trong sáng.

Một mùa xuân, năm nào hai đứa ngắm hoa đào rơi
Lo cho số phận, lo cho duyên mình sẽ thành một kiếp hoa
Sớm nở tối tàn, đời ai không một lần
Quen biết rồi thương yêu nhau rồi lại xa 

Thời gian thấm thoát như thoi đưa, mùa xuân năm nào hai đứa còn ngồi ngắm hoa đào rơi, nhưng hiện tại mỗi người đã đôi ngả. Lo cho “số phận”, “duyên mình sẽ thành một kiếp hoa”, loài hoa phù dung “sớm nở tối tàn”, không ai một lần trong đời mà không từng quen biết nhau, yêu nhau tha thiết rồi lại xa nhau. Những ca từ thể hiện một cái gì đó rất đời thực mà bất cứ người nào cũng đều phải trải qua một lần trong đời.

Thôi thế là thôi, là thế đó, dĩ vãng là thơ
Đem thơ về ghép nhạc thành khúc tình ca
Thôi thế là thôi là thế rồi
Hiện tại ước mơ nhiều
Cuộc đời rồi đây biết bao giờ mới được yêu

Dĩ vãng là một “bài thơ”, những áng thơ ghép lại “thành khúc tình ca”, khúc tình ca dang dở. Từ “thôi” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đoạn nhạc này nhằm khẳng định một lần nữa, cuộc tình đôi lứa đã kết thúc, hiện tại còn rất nhiều ước mơ, hoài bão. Mối tình đầu luôn là mối tình khó phai nhất, luôn làm cho người ta luyến tiếc, vấn vương trong lòng để rồi “biết bao giờ mới lại được yêu” thêm lần nữa.

Ngày biệt ly chúng mình chưa nói hết câu tạ từ
Năm năm cách biệt, năm năm mong chờ héo mòn tình nghĩa xưa
Nhắc đến thấy buồn, tình kia ngăn đôi đường
Nhật ký đời tôi ghi thêm một lần thương.

Cô gái đã ra đi trong vội vàng để chàng trai chưa kịp nói hết những lời từ giã. “Năm năm” có “cách biệt”, có “mong chờ” thời gian tuy không dài, cũng không ngắn nhưng cũng đủ để làm “héo mòn” tình nghĩa bấy lâu nay nuôi dưỡng, bồi đắp. Nhắc đến mối tình không trọn vẹn lại thấy “buồn”, thấy mất mác, thấy tổn thương nên chỉ “ghi thêm” một lần trong cuốn nhật kí của cuộc đời.

Phù Sa

11/10/2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *