“Thành phố buồn” – Một bản nhạc bằng 20 năm lương của Đại tá quân đội

“Thành phố buồn” là một bài hát gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Lam Phương. Nội dung trong bài hát miêu tả về mối tình giữa đôi nam nữ trong bối cảnh thành phố Đà Lạt với rừng thông bao phủ sương khói tạo nên cảm giác buồn.

Bài hát “Thành Phố Buồn” được ra đời vào năm 1970, trong chuyến đi cùng ban văn nghệ Hoa Tình Thương lên Đà Lạt biểu diễn. Trong lúc đang nghỉ ngơi thì ông bắt gặp hình ảnh dưới sườn đồi sương khói che phủ bao quanh rừng thông nên nhất thời cảm xúc dâng trào nên đã viết ca khúc này. Kết thúc chuyến đi về lại Sài Gòn ông lập tức cho xuất bản ngay bài hát này. Nghe đâu doanh số thu được từ bản quyền lên đến 12 triệu tiền VNCH, bài hát đã đạt kỉ lục doanh thu cao nhất lúc bấy giờ.

Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã so sánh doanh thu của tác phẩm trong cuốn sách “Đà Lạt, một thời hương xa” như sau : “Một chiếc xe hơi hiệu La Dalat của hãng Citroen sản xuất tại miền Nam Việt Nam vào năm 1971 có giá khoảng trên dưới 650.000 đồng”. Như vậy Lam Phương đã có thể mua được tới 18 chiếc xe hơi lúc bấy giờ. Mức lương của một quân nhân thời điểm đó là 50.000 đồng nhưng bài hát đã mang tới cho Lam Phương mức lương bằng với 20 năm cống hiến trong quân ngũ của một đại tá.

Nhờ vậy mà đến năm 1971 vợ chồng ông đã mua được một căn biệt thự gần 300m2 trên đường Nguyễn Lâm, Q.10.

“Thành phố nào nhớ không em, nơi chúng mình tìm phút êm đềm.

Thành phố nào vừa đi đã mỏi, đường quanh co quyện gốc thông già.

Chiều đan tay nghe nắng chan hòa, nắng hôn nhẹ làm hồng môi em.

Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn”

Trong ca từ của bài hát không có từ nào chỉ tên địa danh nhưng những hình ảnh :đường quanh co, gốc thông già, sương chiều đều làm cho người nghe liên tưởng đến hình ảnh đầy thơ mộng của thành phố sương mù Đà Lạt.

“Một sáng nào nhớ không em, ngày Chúa Nhật ngày của riêng mình
Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa, người lưa thưa chìm dưới sương mù
Quỳ bên nhau trong góc giáo đường, tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương
Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau”

Đà Lạt luôn xứng danh là thành phố của tình nhân, nơi bắt đầu tình yêu, và những mộng mơ chớm nở. Góc giáo đường, tiếng kinh cầu nơi chứng nhân cho tình yêu đôi lứa. Mình cùng quỳ bên nhau xin ơn trên ban phước lành cho tình chúng ta mãi mãi bền chặt.

“Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa
Rồi từ đó trốn phong ba em làm dâu nhà người
Âm thầm anh tiếc thương đời, đau buồn em khóc chia phôi
Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui”

Chính nơi này đã trải qua những ngày tháng êm đẹp sống trong suối tình nhưng cũng là nơi kẻ thất tình gặm nhấm nỗi buồn khi chia tay. Cũng bởi vì xa cách mà làm lòng người thay đổi, duyên đã nhạt thôi tiễn em về làm dâu nhà người. Nơi đây anh âm thầm tiếc thương cuộc tình tan vỡ, chỉ biết tìm vui trong kỉ niệm phai tàn.

“Thành phố buồn lắm tơ vương, cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn
Và con đường ngày xưa lá đổ giờ không em sỏi đá u buồn.
Giờ không em hoang vắng phố phường.
Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương,
Tiễn đưa người quên núi đồi, quên cả tình yêu”

Cơn gió chiều nay nơi phố núi làm tâm hồn anh buốt lạnh, vẫn còn vương vấn bao kỉ niệm thân quen của chúng mình. Con đường lá đổ ngày xưa nay vắng em sỏi đá cũng cảm thấy u buồn, phố phường hoang vắng, tiếng chuông chiều tòa giáo đường ngày nào sao sầu thảm, thê lương quá.

Hầu hết các tác phẩm của ông đều có phần “dễ dãi”, đơn điệu hoặc thậm chí là “sến” nhưng lại đi sâu vào tâm hồn công chúng một cách rất tự nhiên, dễ dàng. Xin mạn phép tiết lộ một chút thông tin về bóng hồng mà nhạc sĩ Lam Phương nhắc đến trong ca khúc này đó chính là ca sĩ Hạnh Dung. Mối tình được cho là ngắn ngủi khi lâm vào cảnh xa cách, cũng chính mối tình này đã cho Lam Phương rất nhiều cảm xúc để viết nên những nhạc phẩm sống mãi trong lòng khán giả cho đến tận hôm nay.

Phù Sa

26/10/2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *