“Lão Hạc” Kim Lân – Cây bút của những phận đời bé mọn

Kim Lân được biết đến nhiều nhất với tác phẩm Vợ nhặt được nhiều thế hệ học sinh Việt Nam nằm lòng. Cả cuộc đời mình, ông sử dụng văn chương và ngôn từ để che chở cho những phận đời nhỏ bé, vẽ lên bóng dáng làng quê Việt thế kỷ trước.

Khuôn mặt gầy khô, có nhiều nét khắc khổ của Kim Lân tạo ra một “khí chất” rất nông thôn, khiêm nhường và gần gũi, giống như nhìn ông là có thể tưởng tượng ra những người ông, người cha, người chú chân chất, hiền lành.

Nhà văn Kim Lân không chỉ được biết đến bởi tài năng văn chương với vô số tác phẩm thuộc hàng kinh điển của nền văn học Việt, mà ông còn làm tròn một vị trí rất khác biệt nữa, đó là diễn viên. Từng một lần tham gia diễn xuất trong bộ phim Vợ chồng A Phủ – bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Trong sự nghiệp diễn xuất của mình, vai diễn lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy là gây ám ảnh hơn cả, lại gần nhất với hình ảnh của nhà văn, nên ông vẫn được gọi là “lão Hạc” trong làng văn học Việt Nam.

Nhà văn Kim Lân vào vai lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy.

Nói về sự nghiệp văn học của Kim Lân, tác giả không thể nói là có một gia tài tác phẩm thật đồ sộ. Nhưng hễ cứ viết, cứ sáng tác là “lão Hạc” ấy lại đóng góp tài năng của mình để viết về làng quê Việt, về những phận đời và phận người ở đó, gắn với hơi thở của đời sống đương thời. Bằng chứng là hầu hết các tác phẩm đỉnh cao của ông đều là những truyện ngắn kinh điển viết về giai đoạn trước 1945. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến Vợ nhặt và Làng đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học Phổ thông.

Trong đó, với tác phẩm Vợ nhặt của mình, nhà văn từng chia sẻ: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người.”

Chân dung nhà văn Kim Lân.

Nhà văn Kim Lân cầm bút vì muốn thay người nông dân đấu tranh cho sự bất công giữa làng quê giai đoạn trước cách mạng, nhưng đồng thời ông cũng gửi gắm vào đó hy vọng, niềm tin, kể là niềm tin đó được xây dựng trên hiện thực xã hội giai đoạn trước. Có thể nói, hiếm ai thấu hiểu được tấm lòng những người nông dân bé mọn, hay hiếm ai truyền tải được ý chí kiên cường của những lớp người sau lũy tre làng, như Kim Lân.

Đối với nhiều nhà thơ, nhà văn, ngôn ngữ của nhà văn Kim Lân không hào nhoáng, không ồn ào và không hề tạo ra những mâu thuẫn cao trào. Vẫn là lối viết bình thản, giản dị nhưng ông vẫn lột tả được hết khó khăn và những tranh đấu nội tâm để được sống, được tồn tại. Chính điều này càng mang đến hình ảnh một nhà văn Kim Lân hiền lành, cởi mở và gần gũi trong làng văn Việt Nam.

Tuy chỉ có khoảng 27 truyện ngắn, mà so với cuộc đời hoạt động văn học của ông, con số này không nhiều. Nhưng nhà văn Kim Lân vẫn có chỗ đứng trong hàng những cây bút lão làng lừng lẫy như Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Nam Cao,… Đủ để thấy sức viết sẽ không quyết định được điều gì, miễn là người ta nghiêm túc với sự nghiệp của mình.

Nhà văn Kim Lân cũng từng chia sẻ: “Tôi nghĩ muốn theo đuổi nghề văn thì người viết phải là người tử tế trước đã.” Chính tư duy này đã tạo nên một tượng đài khiêm nhường vĩnh cửu trong ký ức của nhiều người, là một “lão Hạc” không thể thay thế với nền văn học Việt Nam.

Duy Phan – 01/01/2021

Bài viết được tham khảo:
“Lão Hạc” Kim Lân – Cây bút của những phận đời bé mọn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *